Bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, ngày 6/4 cho biết bé được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến ngày 30/3 với vết thương nhỏ vùng cẳng tay, không thể cầm máu, bầm da rải rác trên cơ thể. Bé tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn định. Bệnh viện địa phương đã truyền yếu tố chống đông máu, chích bốn lọ kháng huyết thanh dành cho rắn lục tre, vẫn không tác dụng.
Theo bác sĩ Phương, Việt Nam thường gặp hai loại rắn cắn gây rối loạn đông máu là chàm quặp và rắn lục đuôi đỏ. Với em bé này, vết thương do rắn cắn rất khác thường, không giống hai loại rắn kia. Đối chiếu hình ảnh rắn với ghi nhận từ gia đình, bác sĩ xác định cắn bé là loài rắn hoa cổ đỏ, dân gian gọi là "rắn học trò".
"Bệnh viện chưa có kháng huyết thanh loại rắn này", bác sĩ Phương nói. E ngại tình hình bé sẽ chuyển xấu nhanh, các bác sĩ Nhi đồng 1 liên hệ Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi có nghiên cứu về loại rắn này, song rất tiếc Việt Nam chưa có kháng huyết thanh độc "rắn học trò", chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng cho bé.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã liên hệ đến nhiều nước để tìm kiếm kháng huyết thanh cho bé nhưng không có. Một viện nghiên cứu hợp tác bệnh viện ở Nhật đang thử nghiệm kháng huyết thanh này, song chế phẩm vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa thể sử dụng được, theo bác sĩ Phương.
Bé điều trị ở khoa Hồi sức tích cực Chống độc, bác sĩ nỗ lực phối hợp nhiều biện pháp như truyền máu, chế phẩm máu, thuốc chống rối loạn đông máu... Tình trạng bé ngày càng nặng, không chỉ chảy máu ở vết thương mà còn diễn tiến xuất huyết chân răng, bầm nhiều ở mặt, dưới da..., nghi ngờ xuất huyết não. Bé suy hô hấp, tử vong tối 1/4, sau hai ngày điều trị tích cực.
Theo bác sĩ Phương, rắn hoa cổ đỏ có đầu màu xanh, cổ đỏ, thân nhiều màu sặc sỡ rất đẹp, nên thường được dân gian gọi là rắn hổ lửa, rắn bảy màu, rắn học trò, nữ hoàng bóng đêm...
"Nhiều người tưởng rắn này không độc, thậm chí cho trẻ con nuôi chơi, nên còn gọi là rắn học trò. Thực tế loài rắn này đặc biệt ở chỗ 10 người bị cắn thì có 3 người sẽ nhiễm độc, 7 người không triệu chứng gì, nên được cho là không độc", bác sĩ Phương chia sẻ.
Rắn hoa cổ đỏ không tự sinh ra nọc độc mà tổng hợp chất độc từ những con mồi có độc như cóc. Loài rắn này có hai chiếc răng chứa chất độc nằm sâu bên trong hàm chứ không phải ở răng nanh như loài rắn khác. Nếu rắn hoa cổ đỏ chỉ cắn nhẹ, không mở to miệng, chưa tới góc hàm, thì người bị cắn sẽ may mắn không bị nhiễm độc.
Bác sĩ khuyến cáo khi bị những loại rắn độc có thể gây rối loạn đông máu cắn, gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nhanh nhất, không cần sơ cứu gì khác.