Dựa trên báo cáo trước đây về mối quan hệ giữa đồng hồ sinh học ở người và cách chúng ta ngủ, các nhà khoa học Anh muốn tìm hiểu thêm về giấc ngủ cũng như các yếu tố liên quan tới gene. Theo CNN, nhóm nghiên cứu của bà Rebecca Richmond từ Đại học Bristol đã xem xét các biến thể gene của hơn 220.000 phụ nữ nhằm tìm ra liên hệ với ung thư vú.
Kết quả cho thấy những người mang nhiều gene dậy sớm có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 48%. Nghiên cứu thứ hai sử dụng dữ liệu từ 180.000 người cũng cho kết quả tương tự khi người dậy muộn có 40% nguy cơ mắc ung thư vú.
Các nhà khoa học nhận định ngủ ít hơn mức trung bình là 7 giờ cũng làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư. Nguyên nhân do nhịp sinh học cơ thể kiểm soát các chức năng như thói quen ngủ, huyết áp và trao đổi chất. Khi bị xáo trộn, nguy cơ ung thư và các bệnh khác đều tăng cao.
Rủi ro từ giấc ngủ vẫn thấp hơn so với các yếu tố nguy cơ như uống rượu hoặc tăng cân. Theo số liệu của Hiệp hội Ung thư Mỹ, 45% ca tử vong do ung thư tại nước này liên quan những thói quen xấu có thể sửa trong cuộc sống như hút thuốc, béo phì, ăn nhiều thịt đỏ và ít tập thể dục. Chủng tộc, chỉ số BMI hay mức sử dụng rượu cũng ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư.
Tuy vậy, những người hay ngủ muộn không nên quá lo lắng về kết quả trên. Bản thân bà Richmond cũng không ủng hộ việc dậy thật sớm để giảm nguy cơ gây ung thư. Bên cạnh đó, còn rất nhiều giả thuyết khác về tác động của giấc ngủ lên ung thư, ví dụ ánh sáng đèn vào ban đêm gây rối loạn hormone.
Phúc Lương