Ông Nguyễn Văn Xin (Bình Thạnh, TP HCM) mắc bệnh tim đã lâu. Nhiều năm qua, ông uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Hai năm trước, ông bị cơn đau tim hành hạ. Đi khám tại bệnh viện thành phố, các bác sĩ cho biết, ông nên tiến hành phẫu thuật dù có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tuổi đã cao. "Nghe chuyên gia nói phẫu thuật, mình không biết phương pháp này có những ưu, nhược điểm gì, chỉ biết động đến tim. Tôi không làm vì nghĩ bản thân còn khỏe mạnh, bệnh tình sẽ cải thiện nếu ăn uống khoa học, thể dục điều độ", ông nhớ lại.
Giữa tháng 11, ông Xin thấy cơ thể mệt mỏi, xuất hiện cơn đau tim. Thấy vậy, con trai đưa cha vào viện. Qua thăm khám, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long, Trưởng khoa Tim mạch (Bệnh viện FV) cho biết, kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân bị hẹp mạch tới 80% ở nhánh liên thất trước, hẹp lan tỏa 90% mạch vành phải. Hơn nữa, đây là người bệnh lớn tuổi nhất trong 10.000 ca can thiệp tim mà ông từng thực hiện. Ngoài vấn đề tim thì tình trạng sức khỏe ông Xin khá tốt, chỉ cao huyết áp nhẹ.
Sau khi cân nhắc lợi, hại, bác sĩ Long quyết định thực hiện phẫu thuật nong mạch và đặt stent cho bệnh nhân tại nhánh liên thất trước (nhánh lớn phụ trách tới 50% khối lượng cơ tim). Tại hẹp mạch bị vôi hóa rất nặng, các chuyên gia dùng bóng mềm, sau đó là bóng cứng nong với áp lực cao tới 20 atmosphere (trong khi ca thông thường chỉ là 10-14 atmosphere).
Bằng kinh nghiệm, tính toán kỹ, bác sĩ Long đã khắc phục được đoạn vôi hóa nặng, đặt stent cho bệnh nhân. Phần hẹp mạch vành các chuyên gia tiếp tục theo dõi.
Ca phẫu thuật kéo dài trong vòng một giờ trong phòng Cathlab hiện đại, với vết mổ nhỏ ở cánh tay, không gây chảy máu nhiều. Hiện tại, tình hình sức khỏe ông Xin đang trong quá trình hồi phục.
Ông Xin nhớ lại: "Trước đây, tôi sợ phẫu thuật nên trì hoãn, sau khi nghe bác sĩ Long phân tích tôi mới quyết tâm thực hiện. Lúc nằm trên giường, mệt nhưng tôi nghe ekip thực hiện ra ngoài nói phẫu thuật thành công rồi. Tôi vui mừng xen lẫn bất ngờ vì không ngờ nhanh thế, y học bây giờ tiến bộ rồi".
Từ trường hợp của ông Xin, bác sĩ Long phân tích, y học phát triển, những ca bệnh phức tạp về tim có thể khắc phục nếu có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, sự hỗ trợ của phòng Cathlab. "Tâm lý chung, nhiều người bệnh rất sợ phẫu thuật. Tuy nhiên thủ thuật nong mạch vành không hề quá đau, chảy máu hay khó chịu đựng như người ta thấy ở việc mổ hở. Đây thực chất là điều trị nội soi qua đường mạch máu, ít xâm lấn và rất nhanh hồi phục", bác sĩ Long chia sẻ.
Ông khuyên, để có một trái tim khỏe mạnh, mỗi người cần có chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp và tầm soát tim mạch thường xuyên.
Ngọc Thi
Từ tháng 5/2018, Bệnh viện FV đưa vào hoạt động Trung tâm Can thiệp tim mạch (Cathlab) với tổng số vốn đầu tư trên 1,6 triệu USD. Phòng Cathlab có hệ thống máy móc, công cụ hiện đại giúp các bác sĩ chẩn đoán, cứu chữa kịp thời những ca bệnh lý nguy hiểm như tắc nghẽn mạch máu, phình động mạch, nhồi máu cơ tim, hở van tim...
Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm. Trong đó, Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã thực hiện hơn 10.000 ca can thiệp tim thành công.