Bà Hoàng sinh năm 1943, là cô gái gốc Hà thành. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, trải qua bao bể dâu cuộc đời, vượt qua bom giày đạn xéo, cuối cùng người con gái ấy cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ và kiên cường trở về.
Về già, bà luôn mong muốn được gặp lại những đồng đội của mình, được trở lại chiến trường xưa đầy ắp kỷ niệm của một thời máu lửa. Tâm nguyện ấy khó hoàn thành bởi đôi chân tập tễnh vì căn bệnh thấp khớp, đôi mắt mờ theo thời gian, bà ra đi vào đúng ngày Quốc Khánh Mỹ 4/7 năm ngoái. Chiến tranh khốc liệt được bà để lại qua những trang nhật ký, hiện người thân lưu giữ trân trọng.
Bà Hoàng thi đỗ trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1962. Tốt nghiệp năm 1968, bà từ chối ở lại trường mà xung phong đi B - vào chiến trường miền Nam. Nơi bà đến đầu tiên là Bù Đốp (Bình Phước), vùng đất khởi nguồn bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo", công tác tại khu 10 Bù Gia Mập. Ngoài công việc quân y, bà còn tham gia tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến. Bom đạn, ác liệt, đói, sốt rét thường trực trong cuộc sống của nữ bác sĩ quân y trẻ. Đói và thiếu muối kéo dài nhiều tháng liền khiến cơ thể cô gái phù lên, sốt rét hành hạ nên đôi chân mỏi không muốn bước. "Đói đến mức đêm nằm ngủ chỉ mơ thấy được ăn, được về Hà Nội ăn phở cho đến khi tỉnh dậy cảm giác đói vẫn còn nguyên", nữ bác sĩ ghi lại trong nhật ký.
Chiến khu của bác sĩ Hoàng nằm rất gần vùng địch, cái chết cận kề trong gang tấc, nhiều đồng đội đã ra đi. Một ngày đầu năm 1971, bất ngờ địch càn quét, pháo dập ầm ĩ, trực thăng đổ quân xuống rất đông. Nhận được tin báo, bác sĩ Hoàng cùng đồng đội đã nhanh chóng chuyển bệnh xá và bệnh nhân đến nơi khác một cách nhanh chóng không để lại dấu vết. Trong nhật ký, bà Hoàng miêu tả: "Tự di chuyển đã khó mà lúc ấy còn có thể chuyển được cả bệnh xá, bệnh nhân kèm theo lủng củng đồ đạc, lương thực dự trữ. Địch tới nơi thì chúng tôi đã rút không còn dấu vết. Vì đưa theo bệnh nhân, không thể đi xa nên chúng tôi vẫn còn nghe tiếng địch gọi nhau, chửi thề".
Địch lùng sục bà và đồng đội rất lâu, không thấy gì nên phục kích lại. Đội của bác sĩ Hoàng lặng lẽ ở trong rừng, nhịn đói, nhịn khát, nhịn đau. Một đồng đội của bà đã sơ hở để địch phát hiện bắn chết.
Trong cuộc đời quân y của mình, bác sĩ Hoàng không chỉ cứu người mà bản thân từng đứng giữa ranh giới sự sống và cái chết khi giáp mặt với địch. Một lần bà bị trực thăng truy đuổi. Cùng đồng đội ẩn nấp dưới một gốc cây trơ trụi, cảm giác dường như đã bị lộ, bỗng dưng hình ảnh người thân, gương mặt mẹ lướt nhanh trong tâm trí khiến nữ bác sĩ thấy ngộp thở, khóe mắt cay cay. May mắn bà cùng đồng đội sau đó trốn được vào rừng thoát thân.
Kỷ niệm mà bác sĩ Hoàng nhớ nhất trong những năm tháng chiến trường là lạc vào đường voi đi. Khi ấy nữ bác sĩ phải ở lại buôn để đỡ đẻ cho một sản phụ nên hôm sau một mình về sóc Bom Bo dự họp. Cô gái trẻ vô tình đi vào đoạn đường có nhiều hố nông nhỏ đều nhau, lởm chởm, nhìn kỹ mới nhận ra dấu chân voi. Không gặp voi song cô bác sĩ bất ngờ bước hụt chân lộn cổ xuống vực, may được bụi cây chặn lại ngay sát bờ con suối. Một mình trong đêm tối, bà Hoàng lội suối vượt dốc giữa núi rừng hoang vu, đói khát đau đớn một ngày đêm mới về đến chiến khu.
Bà Hoàng bảo ở chiến trường không ai thoát được sốt rét, những cơn sốt rét rừng bất chợt ập tới ào ào như một cơn bão khiến người lạnh từ trong ra ngoài. Sau mỗi lần chạy càn cực nhọc, những đợt đói, xuống sức là sốt rét, bệnh xá của bác sĩ Hoàng tiếp nhận và điều trị rất nhiều bệnh nhân sốt rét nặng, ác tính. Chính cô gái trẻ cũng bị sốt rét, nôn ói cả tuần lễ không ăn được gì. Một học trò của bà đã lội suối bắt cá về nấu cháo cho bà ăn. "Bát cháo cá hôm ấy ngon hơn tất cả những gì tôi từng được ăn”, bà Hoàng viết.
Mùa khô năm 1971, các bộ phận dân chính được lệnh rút về Campuchia để bảo toàn lực lượng. Một đoàn quân đủ các thành phần từ dân y, tuyên huấn, kinh tài, tổ chức, dân vận… rồi cả thương binh, bệnh nhân và trẻ con. Vai mang nặng đủ thứ hành trang, súng ống, thuốc men lương thực, hai trăm con người rồng rắn kéo nhau đi cả tháng trời. Đường rừng lầy lội vì mưa, mỗi khi gặp đường dốc, dép cao su trơn, quai giãn ra xọc lên tận bụng chân đau nhói. Bác sĩ Hoàng đã gặp nạn khi ngón chân không đủ sức bám nên đổ nhào xuống chân dốc mà không ai trong đoàn phát hiện ra. Cổ chân sưng vù, tụ máu, cô gái phải cố lết đi từng bước khi trên đỉnh đầu máy bay địch vẫn lạch phạch.
Đầu năm 1972 giải phóng Lộc Ninh, bác sĩ Hoàng chuyển về công tác tại bệnh viện Lộc Tấn cách Lộc Ninh 2 km. Sau trận bom địch, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện rất đông. Bà vẫn nhớ có một bệnh nhân la hét suốt hai ngày đêm, bác sĩ tưởng bị tổn thương thần kinh sọ não song không tìm thấy vết thương, không xác định được nguyên nhân. Đến khi cạo trọc đầu bệnh nhân mới lộ ra rất nhiều vết thương ở da đầu do các mảnh vụn thủy tinh và dằm gỗ nhỏ cắm vào. Bác sĩ tiến hành gắp hết các dị vật, rửa sạch, chống nhiễm trùng, cuối cùng bệnh nhân hết la hét và được cứu sống.
Hòa bình lập lại, người phụ nữ vẫn luôn nhớ về 2.310 ngày ở chiến trường gian khổ và căng thẳng, bao trùm lên là nỗi nhớ. Bà nhớ gia đình, nhớ bạn bè và nhớ người yêu. Người yêu đầu tiên của bà là một thầy giáo thời đại học đã lập gia đình sau khi nữ bác sĩ đi B. Tại chiến trường, năm 29 tuổi bà Hoàng gặp người đàn ông trở thành bạn đời của bà cho đến khi nữ bác sĩ nhắm mắt xuôi tay. Ông là Đoàn Nhật Hồng, sinh năm 1931, nguyên là giáo viên ở trường học sinh miền Nam. Hai người cưới nhau tại chiến khu, gọi là cưới nhưng chưa hề có giấy đăng ký, không có tiệc rượu đầy mâm. Đám cưới chỉ diễn vỏn vẹn 15 phút và các đồng đội của bà tự tay làm kẹo lạc để mừng đám cưới. Thiếu thốn là vậy nhưng bà thấy hạnh phúc biết bao.
Ngày 30/4/1975, bệnh xá vẫn đóng ở trong rừng, 5h chiều mở đài bác sĩ Hoàng mới nghe được tin Sài Gòn đã giải phóng từ trưa. Quá bất ngờ, bà cùng đồng đội reo vang cả khu rừng, bao nhiêu mong mỏi khát khao nay mới được dịp vỡ òa trong sung sướng.
Sau này, gia đình bác sĩ Hoàng chuyển về Đà Lạt sống. Vợ chồng bà có hai người con, hiện đều công tác và sinh sống ở Sài Gòn. Bà Hoàng từng tâm sự, cả cuộc đời điều bà cảm thấy hạnh phúc nhất là hai con không bị khuyết tật do chất độc da cam dù vợ chồng bà đã trải qua những năm tháng bom đạn khốc liệt.