Theo thống kê, hàng năm, ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, hơn 100 trẻ sơ sinh được tìm thấy bị bỏ rơi tại các con sông, đền thờ, nhà vệ sinh và bãi rác. Trong đó, hơn 60% trẻ tử vong. Những đứa trẻ này chủ yếu là con của các vị thành niên, thiếu hiểu biết về giáo dục giới tính, mang thai ngoài ý muốn. Họ vì sợ định kiến xã hội nên đã vứt bỏ con mình.
Tiến sĩ John Teo, cố vấn y tế Liên đoàn các Hiệp hội sức khỏe sinh sản Malaysia, cho biết con số thống kê trên chỉ là một phần nhỏ. "Cứ một đứa trẻ bị bỏ rơi được phát hiện, thì có 20, thậm chí đến 30 đứa trẻ bị bỏ rơi không được tìm thấy", ông nói.
Vụ vứt con tai tiếng nhất ở Malaysia xảy ra năm 2013. Một cô gái 17 tuổi đã không hề biết mình mang thai. Đến ngày sinh, cô tự sinh con trong nhà vệ sinh ở nhà, dùng bấm móng tay cắt dây rốn từng tí một, sau đó mở cửa, ném con qua hành lang. Cảnh sát phát hiện, cô bị kết án 12 năm tù.
Vụ việc soi ánh sáng vào tình trạng mang thai vị thành niên ở Malaysia. Thiếu hiểu biết về tình dục và giới tính, có thai ngoài ý muốn, lo sợ trước thành kiến của xã hội, nhiều cô gái đã tìm cách vứt bỏ những đứa trẻ sơ sinh của mình.
Trong một xã hội có đa phần theo Hồi giáo, nhiều người Malaysia ngần ngại với chủ đề giáo dục giới tính và an toàn tình dục cho thanh thiếu niên. Cha mẹ cũng cảm thấy ngại ngùng khi con cái họ hỏi.
Nhà tâm lý học lâm sàng Vizla Kumaresan chỉ ra điều đáng lo ngại hơn cả, là nhiều người không hiểu về giải phẫu cơ thể, họ không biết em bé đến từ đâu và bằng cách nào. Thậm chí, nhiều phụ nữ mang thai mà không biết.
Trường hợp của cô gái 17 tuổi kể trên là một cú sốc lớn với chính bản thân cô và xã hội. Do sự ngây ngô, thiếu kiến thức cơ bản về quan hệ tình dục, cô mang thai mà không biết. Sau khi thuê luật sư bào chữa, cô được giảm xuống còn 5 năm tù.
Tiến sĩ John Teo cho biết, trung bình mỗi năm, trong số 18.000 vị thành niên nữ mang thai, có đến 90% không sử dụng biện pháp tránh thai, hoặc sử dụng những biện pháp không khoa học, không mang lại hiệu quả. Lý do là họ không hiểu biết về kiến thức giới tính.
Ngoài kiến thức căn bản như cấu tạo hệ sinh sản, nguyên tắc tôn trọng phụ nữ, các bài học về giới tính trong nhà trường không dạy thêm gì cho học sinh, kể cả cách tránh thai, thầy giáo Raja Nadiah cho biết.
Trước tình trạng đó, các tổ chức phi chính phủ và nhóm hoạt động tự nguyện nhảy vào lấp khoảng trống. Các hoạt động này thường được thúc đẩy bởi tôn giáo. Cô Zarina Rie thuộc tổ chức tình nguyện Baitul Figh, một nơi trú ẩn cho phụ nữ và em gái, cho rằng các cô gái quan hệ tình dục trước hôn nhân là do thiếu kiến thức về tôn giáo.
"Họ không nhận ra rằng làm vậy là sai trái, Zarina nói. "Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng là cần có giáo dục tôn giáo".
"Malaysia đa phần là người Hồi giáo, việc giáo dục tôn giáo là điều quan trọng", bà nói.
Những đứa bé không được chấp nhận
Trọng tâm giáo dục giới tính đặt vào sự trinh trắng dẫn đến thành kiến sâu sắc trong xã hội đối với việc có con trước hôn nhân. Khi bất ngờ phát hiện có thai, những cô gái thường chịu đựng một mình, không dám nói với ai, một phần vì lo sợ sự kỳ thị, một phần vì xấu hổ, muốn giữ thể diện cho bản thân và gia đình. Họ thường tự đưa ra những quyết định tồi tệ như sinh con rồi bỏ rơi, hoặc giết chết em bé.
Zeeda Aziz, người chuyên giúp đỡ những "bà mẹ tuổi teen bất đắc dĩ" trong 6 năm nay, cho hay phần lớn các gia đình không chấp nhận những đứa trẻ ngoài giá thú. Một suy nghĩ phổ biến là "anh/cô đã làm vẩn đục cộng đồng, anh/cô sẽ bị loại khỏi cộng đồng. Và thế là vứt bỏ đứa bé trở thành lựa chọn phổ biến của các bố mẹ tuổi teen", ông nói.
Những cô gái chọn sinh con phải chịu đối xử tệ bạc, chịu sự ghẻ lạnh từ xã hội. Ông Zeeda lấy ví dụ về trường hợp cô gái tên là Sheila. Hai năm trước, cô mang thai trong tình cảnh không biết bố đứa trẻ là ai. Sheila muốn sinh đứa bé nhưng lại không muốn để bố mẹ biết. Cô tìm đến một tổ chức phúc lợi nhờ giúp đỡ nhưng họ đưa ra yêu cầu rằng phải có bố mẹ đến bảo lãnh cô mới được sinh con tại đây. Trong khi lúc đó cô đã 21 tuổi, đủ tuổi hợp pháp để sinh con.
Cô Sheila đã sinh con tại bệnh viện sau đó và không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ những y tá tại đây. Cô nói về cảm giác bị đối xử như "rác rưởi".
Malaysia cho phép việc phá thai nếu người phụ nữ có thai ngoài ý muốn mà không đủ sức khỏe thể chất hoặc chưa chuẩn bị tinh thần để sinh con. Tuy nhiên, tại các Trung tâm khủng hoảng ở bệnh viện, có hơn một nửa số bệnh nhân không biết đến việc họ có thể phá thai nếu bị cưỡng hiếp. Việc mua thuốc ngừng thai bị hạn chế, khiến nhiều cô gái tìm đến các phương thuốc rởm, không có tác dụng, để rồi cuối cùng họ vẫn sinh em bé và bỏ rơi.
Bà Syirin Junisya Mohd Ali, giám đốc điều hành của Liên đoàn các hiệp hội sức khỏe sinh sản, Malaysia, cho biết, tìm các bác sĩ sẵn sàng để phá thai cũng là điều khó khăn. Họ phải đối mặt với áp lực từ xã hội.
Năm 2010, tổ chức phi chính phủ OrphanCare ở Malaysia đã mở cửa một trung tâm nhận nuôi những trẻ được sinh ra ngoài ý muốn, để đối phó với tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh đang ngày càng tăng ở nước này. Họ phải mất 3 năm để thuyết phục chính quyền mới có thể mở được trung tâm. OrphanCare cũng đảm bảo các cha mẹ bỏ rơi con sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi mở cửa, OrphanCARE nhận được gần 280 em bé bị bỏ rơi và tìm cho chúng những mái nhà phù hợp.
"Nguyên nhân sâu xa của việc phụ nữ bỏ rơi con chính là sự kỳ thị của xã hội", ông Nor Aishah Osman, người quản lý OrphanCare đánh giá. "Điều này cần được giải quyết ngay tức khắc. Quan trọng hơn cả, công chúng không nên phán xét một người khi họ làm sai điều gì đó. Quan trọng nhất, cha mẹ luôn phải ở bên cạnh động viên con cái, không được hắt hủi, xa lánh".
Thúy Quỳnh (Theo Channel New Asia)