Theo Curiosity, tế bào máu được bao phủ bởi các kháng nguyên để kích thích tạo ra kháng thể. Việc bạn có loại kháng nguyên nào tùy thuộc vào các biến thể gene của bố và mẹ. Có hai loại kháng nguyên chính: A và B là gene trội, còn máu O không có kháng nguyên tương ứng là gene lặn.
Ở một nhóm máu khác, kháng nguyên Rhesus D (hệ Rh) được chia ra thành Rh âm (Rh-) và Rh dương (Rh+). Trong đó, Rh dương là nhóm có kháng nguyên D, còn Rh âm là nhóm không có kháng nguyên D.
Hiệp hội truyền máu Quốc tế cho biết có 35 nhóm máu khác được công nhận nhưng quan trọng nhất vẫn là ABO và Rh.
Tuy nhiên, nhóm máu mang tên Rhnull hay còn gọi là Rh vô giá trị lại tuyệt đối không có bất kỳ kháng nguyên nào thuộc hệ Rh. Nhóm máu này được tìm thấy đầu tiên vào năm 1961 từ một người phụ nữ thổ dân Australia. Các bác sĩ lúc bấy giờ vẫn giả định rằng, trường hợp trẻ mới sinh ra nếu thiếu toàn bộ kháng nguyên sẽ không thể sống trong môi trường bên ngoài được.
Năm 2010, thế giới mới phát hiện thêm 43 người sở hữu nó và chỉ 9 người đồng ý hiến tặng.
"Đây là nhóm máu vàng ròng. Những người thuộc nhóm máu này rất có giá trị. Việc không có kháng nguyên cho phép họ truyền máu cho tất cả các nhóm máu trên thế giới, kể cả những người có nhóm máu thuộc hệ Rh- thuộc dòng cực hiếm. Nhưng nó chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp", bác sĩ Thierry Peyrard, giám đốc phòng Thí nghiệm lâm sàng và Miễn dịch học quốc gia tại Paris nói.
Trong khi đó, nếu bạn nhận máu từ một người hiến tặng không cùng nhóm, các kháng thể có thể phản ứng với các tế bào máu của người hiến tặng gây ra phản ứng tiêu cực từ hệ miễn dịch. Những phản ứng truyền máu này có thể gây tử vong.