Có người để lại số điện thoại liên hệ tư vấn, có người rao 96 viên thuốc do Việt Nam sản xuất với giá một triệu đồng. Một số người khác đưa hình ảnh thuốc, bao gồm cả thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ, luôn có hàng sẵn, giá từ một triệu trở lại.
"Nhiều người bán, nhiều mức giá, có người còn mời 'mua sỉ không', mà giao dịch trên mạng không biết người bán nào mới uy tín", anh Quang, ngụ Hà Nội cho biết, ngày 6/3.
Cuối cùng, anh Quang quyết định mua một hộp molnupiravir Stella "giống hộp thuốc đăng trên báo", giá 250.000 đồng, gửi từ Hà Nội về quê. Người thân của anh ở Bắc Giang, sốt 38,5 độ C khoảng ba ngày nay, rét run, gai lạnh, mệt nhiều. Trạm y tế ở cách xa nhà, bệnh nhân đã đến trạm làm giấy cách ly F0 nhưng chưa có đơn thuốc của bác sĩ nên không được nhà thuốc bán molnupiravir.
Vài ngày nay, hoạt động mua bán thuốc kháng virus molnupiravir trên các hội nhóm mạng xã hội nhộn nhịp, trong bối cảnh một số địa phương như Hà Nội, TP HCM... yêu cầu các nhà thuốc chỉ bán molnupiravir cho F0 có đơn thuốc do bác sĩ cấp, trong khi chờ hướng dẫn từ Chính phủ, Bộ Y tế. Trước đây, khi Bộ Y tế chưa cấp phép sản xuất và phê duyệt giá (ngày 23/2) cho ba doanh nghiệp sản xuất trong nước, thuốc xách tay bán tấp nập ở "chợ đen" với giá vài triệu đồng một hộp.
Chị Khuê, 40 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội, đi nhiều nhà thuốc hôm 3/3 đều không mua được molnupiravir cho người thân vì không có "đơn bác sĩ kê, đóng dấu đỏ". Chị lên mạng hỏi, được một người bạn gửi nhãn mác của ba loại thuốc Việt Nam sản xuất và giới thiệu địa chỉ mua. Hai ngày sau, chị mua được hai hộp molnupiravir mà không cần đơn thuốc hay kết quả test, với giá 300.000 đồng mỗi hộp.
Chồng chị Khuê mắc Covid-19 lần đầu vào giữa tháng 1, vừa khỏi được một tháng lại tái nhiễm. Chưa hết mệt, khó thở hậu Covid-19 thì anh lại dương tính lần hai nên sức khỏe yếu hơn nhiều, muốn uống molnupiravir để sớm âm tính. Chị và hai con cũng mắc bệnh. Lần đầu chồng mắc, gia đình đã báo ban quản lý tòa nhà chung cư nơi ở, chờ một tuần không thấy phản hồi. "Trạm y tế quá tải, gọi điện không nghe máy nên cả nhà lên mạng tự xem thuốc, gọi bác sĩ online tư vấn", chị Khuê nói.
Người bán cho chị Khuê, tên Phương Anh, cho biết "nhập hàng về bao nhiêu hết bấy nhiêu do nhu cầu tăng cao". Giá tương tự bán tại các nhà thuốc, nhỉnh hơn không đáng kể và không cần đơn hay test hai vạch. Thuốc nội hộp 100 viên giá khoảng 750.000 đồng, hộp loại 20 viên giá 250.000-300.000, lấy sỉ giá sẽ rẻ hơn. Thuốc nhập khẩu từ Ấn Độ, cam kết chính hãng, hiệu quả gấp đôi thuốc nội, giá bán ba triệu đồng.
"Thuốc đắt do nhập khó, giá cao, đây đã là "giá người quen" chứ có người còn bán 3,6 triệu đến 4 triệu đồng một hộp", Phương Anh giải thích. Còn thuốc kháng virus xách tay từ Nga về tăng giá từ 200.000 đồng đến gần 600.000 đồng. Nhập về là bán hết, thậm chí khan hiếm do nhu cầu tăng cao.
Cũng không đòi hỏi đơn thuốc hay xác nhận F0, muốn mua bao nhiêu cũng có ngay, người đàn ông tên Huy tại TP HCM rao bán thuốc Movinavir 200mg của Mekophar giá 1,2 triệu đồng một hộp 100 viên. Hai loại thuốc còn lại "đứt hàng liên tục", gồm thuốc Molnupiravir Stella, Molravir của Boston, cùng đóng gói 20 viên 400 mg một hộp, giá 250.000 đồng.
Ông này giới thiệu là dược sĩ 20 năm trong nghề, bán thuốc không cần toa, khi nào phát hiện hai vạch (dương tính Covid-19) thì mới uống.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thuốc khẳng định thời gian qua chỉ cung cấp thuốc theo hợp đồng cho các nhà thuốc, không bán lẻ ra thị trường. Ông Lương Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam hiện đã ký hợp đồng và phân phối đến hơn 10.000 nhà thuốc trên toàn quốc, bán với giá niêm yết 250.000 đồng một hộp (đủ một liệu trình điều trị 5 ngày). Thuốc do công ty sản xuất có mã QR, dễ tra cứu các thông tin như hình ảnh thuốc, thành phần công thức thuốc, chỉ định, hướng dẫn sử dụng, tên công ty, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng...
Bà Nguyễn Ngọc Liễu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm, cho biết công ty ký hợp đồng với ba nhà phân phối lớn. Các đối tác sẽ làm việc trực tiếp với nhà thuốc để đưa hàng ra thị trường, trên tinh thần thỏa thuận phải bán đúng đối tượng, cam kết không vượt quá giá niêm yết.
Thuốc được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp, bán trên thị trường từ 23/2, với điều kiện đây là thuốc kê toa, phải có chỉ định của bác sĩ. Những ngày đầu, người dân gặp khó với quy định này do tình trạng ca nhiễm mới tràn lan, F0 không thể tiếp cận được với lực lượng y tế để được "bác sĩ chỉ định". Các nhà thuốc tìm cách tháo gỡ khó khăn cho người mua, chấp nhận bán thuốc cho trường hợp có giấy chứng nhận đang điều trị F0 của y tế địa phương hoặc có video tự test nhanh tại nhà dương tính.
Bộ Y tế ngày 5/3 đề xuất Thủ tướng cho phép dùng video người dân tự quay quá trình test nhanh tại nhà làm cơ sở mua thuốc molnupiravir, nhằm giải quyết quá tải cho hệ thống y tế. Do thuốc được cấp phép có điều kiện, khi sử dụng phải theo dõi chặt chẽ do có tác dụng phụ và nguy cơ tạo ra biến chủng mới, Bộ Y tế đề xuất các nhà thuốc, quầy thuốc chịu trách nhiệm kê đơn, bán molnupiravir cho người dân, tổng hợp số liệu báo cáo trạm y tế hoặc trung tâm y tế địa phương hàng ngày.
Các chuyên gia ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế, mong sớm được thực hiện giúp người dân thuận lợi tiếp cận thuốc, từ đó giảm nguy cơ mua thuốc ở chợ đen, thuốc không rõ nguồn gốc rao bán trôi nổi trên mạng.
Theo bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn, yêu cầu phải có đơn thuốc của bác sĩ thì mới được bán thuốc gây phiền hà rất nhiều điểm. Người sử dụng là F0 tại nhà, nhóm này khi mắc bệnh đều gọi điện đi hỏi bác sĩ thân quen xin tư vấn, bác sĩ cũng không thể xuất ra một đơn thuốc có đóng dấu đỏ cho F0 đi mua.
Trong khi đó, trạm y tế nhiều nơi đang quá tải, không thể giải quyết, tư vấn cho hàng nghìn trường hợp trên địa bàn cùng một lúc. Đến khi có thời gian giải quyết thì đã qua thời điểm vàng để sử dụng loại thuốc vốn được khuyến cáo uống càng sớm càng tốt ngay khi phát hiện dương tính.
"Người dân mua thuốc ở trên mạng giá rất đắt, lại thật giả lẫn lộn, rất nguy hiểm", bác sĩ Tuấn nói. Ông đề xuất nên bỏ quy định người mua phải có chứng nhận F0, hay quay video, vì thêm thủ tục hành chính không cần thiết, bởi "có mắc Covid-19 thì người dân mới đi mua thuốc uống".
PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM cho rằng một số nước áp dụng bảng kiểm tra, theo đó bác sĩ đánh giá F0 đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cụ thể thì sẽ chỉ định cho mua thuốc. Bác sĩ không bị đặt nặng trách nhiệm dẫn đến e dè khi kê toa, từ đó người bệnh đỡ phải tìm cách mua thuốc trôi nổi bên ngoài khi có nhu cầu.
"Chất lượng, hàm lượng thuốc trôi nổi không đảm bảo và gia tăng hiện tượng kháng thuốc, gây nguy hiểm cho y tế công cộng", phó giáo sư Dũng nói.
Lê Phương - Chi Lê