Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từng điều trị rất nhiều bệnh nhân ngộ độc cồn sát trùng đến cấp cứu.
Bệnh nhân nam, 42 tuổi, quê ở Hải Dương, hôn mê, bên cạnh có chai cồn sát trùng 90 độ đã hết. Khi được đưa tới Bệnh viện Bạch Mai hôm 8/3, anh đã hôn mê sâu, tụt huyết áp, toan chuyển hóa nặng, tổn thương nhân bèo và phù não. Người nhà mang theo chai cồn 90 độ bệnh nhân đã uống, trong đó nồng độ methanol lên tới 81,88%.
Bệnh nhân được điều trị giải độc, lọc máu, hồi sức. Anh thoát nhiễm độc, nhưng đã bị tổn thương não nên hôn mê sâu trong thời gian dài.
Tại Khánh Hòa tuần trước, ba du khách Kazakhstan pha cồn 90 độ vào bia để uống. Một người chết, hai người nguy kịch, cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Một người đã thoát khỏi nguy hiểm, một người khác hôn mê sâu.
Bác sĩ Nguyên cho biết cồn sát trùng tiêu chuẩn chứa thành phần chính có tác dụng sát trùng là ethanol với nồng độ 70-90%, phụ gia là nước và một số chất khác có công dụng hỗ trợ. Nếu chẳng may uống phải ethanol, hậu quả cũng như ngộ độc rượu, có thể bị bỏng đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, tại Trung tâm chống độc, là phần lớn bệnh nhân uống cồn sát trùng đến cấp cứu bị ngộ độc cồn công nghiệp methanol - chất thường được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hóa học, công nghiệp và nhiên liệu. Bệnh nhân ở Hải Dương và nhóm du khách Kazakhstan cũng ngộ độc methanol trong cồn.
"Từ đây ta thấy vấn đề rất lớn: Nhiều sản phẩm sát trùng được công bố hiện nay chứa methanol, không chứa ethanol theo tiêu chuẩn. Các sản phẩm này rất dễ mua vì bày bán nhiều ở hiệu thuốc", bác sĩ Nguyên nói.
Không giống ethanol, cồn công nghiệp methanol có độc tính rất cao. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và tiếp đến là formic acid, sẽ tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác, khi ngộ độc thường gây mù, thường mù vĩnh viễn, dễ gây chết người.
Ngộ độc methanol diễn ra từ từ. Nhiều người chỉ được phát hiện ngộ độc sau khi uống cồn từ 1-2 ngày với các biểu hiện rõ như mờ mắt, tổn thương mắt, lơ mơ lẫn lộn, thở nhanh, sâu do rối loạn acid máu, co giật, hôn mê. Bệnh nhân thường hôn mê, tổn thương não, mù mắt, điều trị không mang lại hiệu quả cao. Nếu may mắn thoát nguy kịch, bệnh nhân cũng gặp di chứng nặng nề.
Cồn sát trùng làm từ methanol không chỉ gây hại cho người trực tiếp uống, sử dụng, mà sẽ gây nguy hại lớn hơn khi lọt vào các cơ sở y tế. Methanol không được sử dụng làm chất sát trùng vì sẽ hấp thu qua da, gây ngộ độc và không đảm bảo hiệu quả sát trùng, không thể đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bất cứ hoạt động phẫu thuật, tiêm truyền, can thiệp xâm lấn, nếu bác sĩ không may sử dụng phải các loại cồn sát trùng chứa methanol đều sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
"Nguy hiểm là bệnh nhân sẽ gặp nhiều biến chứng, nguy cơ tử vong cao, thời gian nằm viện kéo dài vì vi trùng không bị cồn sát trùng tiêu diệt trong khi lại dễ dàng vào cơ thể thông qua các vết tiêm, chọc hay phẫu thuật gây nhiễm trùng", bác sĩ Nguyên cho biết.
Hiện nay, một trong những khuyến cáo phòng ngừa Covid-19 là sử dụng cồn sát trùng tay nhiều lần. Nếu cồn sát trùng tay chứa methanol thì không thể đảm bảo diệt virus, ảnh hưởng xấu tới phòng chống dịch, trong khi đó lại dễ bị nhiễm độc cồn công nghiệp methanol qua da.
Các bệnh viện đã có động thái để ngăn chặn tình trạng này. Mỗi khi có người ngộ độc methanol do uống cồn sát trùng, Bệnh viện Bạch Mai đều gửi báo cáo tới Bộ Y tế, kèm thông tin về sản phẩm cồn đã gây ngộ độc để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Tuy nhiên động thái này chỉ trị được phần ngọn, theo bác sĩ Nguyên. Các sản phẩm cồn sát trùng chứa methanol vẫn lưu hành trên thị trường, một số được thay đổi nhãn mác mới rồi tiếp tục bán tại hiệu thuốc.
Bác sĩ Nguyên cho rằng cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý hóa chất, cụ thể là methanol. Cồn công nghiệp methanol chỉ được tạo ra từ sản xuất lớn trên công nghiệp hoặc nhập khẩu, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng tuyệt đối không dung để sát trùng hay để uống. Việc xuất hiện các loại cồn sát trùng giả chứa methanol, cho thấy thực trạng loại hóa chất này được tuồn ra ngoài hoặc nhập lậu và được sử dụng sai mục đích một cách có chủ ý, chỉ vì lợi nhuận bất chấp an toàn của người tiêu dùng.
Giải pháp các nước phát triển đã áp dụng là sử dụng chất chỉ thị màu cho methanol để nhận dạng, giảm tình trạng pha chế trái phép, sử dụng sai mục đích vì lợi nhuận. Khi được pha màu rõ, người nhà dễ dàng nhận biết là người bệnh đã uống phải hóa chất, nên sẽ đưa tới cơ sở y tế sớm, việc cứu chữa rất đơn giản, hiệu quả và thành công.
"Cần quy định rõ ràng người được mua methanol, giảm số người tiếp cận với methanol. Cơ sở y tế tăng cường quản lý các vật tư tiêu hao, hóa chất, đặc biệt là cồn sát trùng, tránh để cồn sát trùng chứa methanol lọt vào, gây hại cho bệnh nhân", bác sĩ Nguyên đề nghị.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không uống cồn sát trùng, chọn mua các sản phẩm cồn sát trùng từ nhà sản xuất có uy tín và sử dụng cồn sát trùng đúng mục đích. Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế uống rượu, không sử dụng rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng vì dễ bị pha từ methanol, gây nguy hiểm tính mạng. Các cơ quan chức năng tăng cường quản lý hóa chất độc hại, đây là gốc rễ của vấn đề.
Chi Lê