Thông tin được các chuyên gia nêu tại Hội thảo Tổng kết nghiên cứu V-RESIST về Phòng chống sự hình thành và lan truyền các bệnh gây ra bởi vi khuẩn kháng thuốc ở Việt Nam, ngày 1/11. Dự án được Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock phối hợp cùng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, triển khai từ năm 2019 đến 2022.
Giáo sư Greg Fox, Giám đốc Viện Sydney Việt Nam, Đại học Sydney, Australia, cho biết thuốc kháng sinh rất cần thiết để điều trị và ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm. Khi vi khuẩn trở nên kháng thuốc, kháng sinh sẽ mất tác dụng. Đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh dự kiến sẽ ảnh hưởng đến 10 triệu người mỗi năm, gây thiệt hại 100 triệu USD.
Việt Nam đứng thứ 11 trên toàn cầu về tiêu thụ thuốc kháng sinh, 71% sử dụng cho vật nuôi, 28% cho người. Trong đó, 1/3 số kháng sinh sử dụng ở Việt Nam được cho là không phù hợp. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc cao ở nhiều tác nhân gây bệnh, gồm lao, phế cầu, vi khuẩn gram âm, và sốt rét.
Ngoài ra, ở cấp tỉnh, trung bình 3/4 số thuốc kháng sinh được kê theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, 79% kháng sinh được sử dụng ngoài phạm vi liều lượng khuyến cáo. Trong khi nhiều quốc gia phát triển vẫn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 hiệu quả thì Việt Nam phải dùng tới kháng sinh thế hệ 3, 4.
"Kháng kháng sinh đang là một vấn đề đáng báo động, bởi lẽ những chủng vi khuẩn đa kháng đang xuất hiện ở các bệnh viện tuyến đầu - nơi điều trị các bệnh nhân nặng, và đã xuất hiện ở nhiều bệnh viện tuyến cơ sở", chuyên gia Viện Y khoa Woolcock cảnh báo.
Các nhà khoa học cũng nêu thực trạng phần lớn thuốc kháng sinh ở nước ta được bán không có đơn của bác sĩ, trong khi nhiều người bán không đủ trình độ và kinh nghiệm nhưng vẫn tự ý kê thuốc cho người dân. Nhiều trường hợp cảm lạnh thông thường tự mua kháng sinh về sử dụng.
Viện Y khoa Woolcock trích dẫn theo một nghiên cứu về sử dụng kháng sinh không theo đơn trên toàn cầu, tỷ lệ tự mua thuốc kháng sinh tại cộng đồng ở Việt Nam là 62%, cao hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc là 36%, Indonesia 17%, Ấn Độ 18%, còn Anh chỉ 3%.
Với những nguy cơ nghiêm trọng của kháng kháng sinh, các nhà khoa học kiến nghị nhà nước cần có chiến lược để cải thiện sử dụng kháng sinh hợp lý. Ngoài triển khai tốt hơn những quy định hiện hành về bán thuốc theo đơn thì việc đào tạo chuyên môn cho nhân viên nhà thuốc cũng cần phải chú trọng. Thời gian qua, dự án V-RESIST đã xây dựng các mô hình can thiệp nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng, nhà thuốc tư nhân và các bệnh viện tuyến quận/huyện. Dự án còn cùng các bệnh viện xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh tại từng cơ sở.
"Chúng tôi mong muốn sẽ cùng với Bộ Y tế và các đối tác Việt Nam tiếp tục các chương trình nhằm giảm kháng kháng sinh, góp phần tăng cường an ninh y tế cho Việt Nam cũng như trên thế giới", giáo sư Greg Fox nói.
Tương tự, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng đánh giá kháng kháng sinh là mối đe dọa rất lớn với y tế công cộng. Điều này dẫn đến những bệnh nhiễm trùng đơn giản, thậm chí những tổn thương nhẹ cũng khó kiểm soát, điều trị bằng thuốc.
"Phòng kháng thuốc như một vấn đề an ninh toàn cầu", bà Angela Pratt nói và thêm rằng WHO đang hỗ trợ các quốc gia xây dựng hệ thống quản lý kháng sinh, tăng cường theo dõi quản lý sử dụng kháng sinh tại các cơ sở y tế.
Còn ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết Bộ đã ban hành đề án tăng cường và kiểm soát kê đơn, liên thông các nhà thuốc, đưa ra hướng dẫn nhằm quản lý sử dụng kháng sinh ở các cơ sở y tế.
Lê Nga