Trong thời lượng 6 tiếng 52 phút này, người Việt dùng 2 tiếng 37 phút để vào mạng xã hội, 2 giờ 43 phút để xem các chương trình và một tiếng 21 phút để nghe nhạc.
Theo CNN, đây là kết quả khảo sát của công ty quản lý mạng xã hội Hootsuite và công ty quảng cáo kỹ thuật số We Are Social.
Tính trung bình trên toàn cầu, mỗi người dành 6 tiếng 42 phút hàng ngày để kết nối Internet, trong đó chủ yếu là sử dụng mạng xã hội.
Dự báo năm 2019, tổng thời gian sử dụng Internet của cả thế giới sẽ lên tới hơn 1,2 tỷ năm.
Trong bảng xếp hạng nước kết nối mạng nhiều nhất, Philippines đứng đầu với 10 tiếng 2 phút online mỗi ngày. Xếp sau Philippines là Brazil với thời lượng online hàng ngày của người dân lên đến 9 tiếng 29 phút. Tiếp đó là Thái Lan với 9 tiếng 11 phút, Colombia 9 tiếng và Indonesia 8 tiếng 26 phút.
Nhật Bản là nước có thời lượng online ít nhất với 3 giờ 45 phút mỗi ngày.
Mặc dù các con số trên có vẻ đáng báo động, nhiều chuyên gia cho rằng cộng đồng không cần lo lắng về vấn nạn nghiện Internet.
Bà Sonia Livingstone, giáo sư truyền thông tại Đại học Kinh tế London (Anh), nhận định thời lượng online phản ánh mức độ phát triển của các dịch vụ trực tuyến như đặt chỗ, tra cứu thông tin du lịch.
"Rất nhiều người làm việc thông qua mạng", bà Livingstone lý giải. "Ví dụ, lái xe Uber cần Internet để chạy ứng dụng".
Về bảng xếp hạng nước kết nối mạng nhiều nhất, bà Livingstone suy luận rất đông người Philippines làm việc ở nước ngoài, dẫn đến nhu cầu online để giữ liên lạc với gia đình, bạn bè.
Mirco Musolesi, chuyên gia đọc dữ liệu tại Đại học London cũng chỉ ra giao tiếp là nguyên nhân chính khiến con người online.
"Vô số tương tác được xây dựng qua Internet", ông Musolesi nói. "Các ứng dụng giao tiếp rất hữu dụng, được thiết kế tốt và cho phép chúng ta kết nối với những người mà mình quan tâm".
Bên cạnh đó, ông Musolesi cho rằng không phải cứ tăng thời gian online là nghiện mạng xã hội: "Rõ ràng ở đây có câu hỏi về sự cân bằng. Thế nhưng, tôi không nghĩ đây là chứng nghiện".
Theo dữ liệu từ Liên Hợp Quốc, Cơ quan Điều tra Dân số Mỹ, Ngân hàng Thế giới, công ty nghiên cứu thị trường Global Web Index và trang thống kê InternetWorldStats, 57% dân số thế giới sử dụng Internet. Năm 2018, toàn cầu có hơn 360 triệu tài khoản mới truy cập mạng.
Máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy tính bảng là phương tiện chính để truy cập Internet song vị trí của chúng đang dần bớt quan trọng do sự xuất hiện của điện thoại thông minh.
Trước đây, một số nghiên cứu đã khẳng định mối liên hệ giữa Internet và các vấn đề sức khỏe mà điển hình là trầm cảm. Tháng 11/2018, trên tờ Journal of Social & Clinical Psychology, các nhà khoa học Mỹ kết luận các sinh viên hay vào mạng xã hội liên tục cảm thấy cô đơn và đối mặt với nguy cơ trầm cảm. Tháng 1 vừa qua, các nhà khoa học Anh phát hiện trẻ vị thành niên gái thường xuyên sử dụng mạng xã hội song cũng dễ bị ảnh hưởng và xuất hiện triệu chứng trầm cảm.
Ngoài ra, liên tục dùng smartphone để online cũng kéo đến những hệ quả như đau ngón tay và khuỷu tay, làm hỏng xương cổ và khiến các cơ lưng đau đớn, hỏng mắt, chứng sợ thiếu điện thoại và ám ảnh tiếng rung.