Giáo sư Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cho biết tại hội thảo hôm 16/6, ước tính cứ 20 người trưởng thành thì có một bị tiểu đường, tuy nhiên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua, là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Nhiều trường hợp chẩn đoán bệnh rồi vẫn chưa được điều trị tốt.
"Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường cao với 5,5% dân số trong độ tuổi 20-79. Khoảng 13,7% dân số mắc tiền đái tháo đường", ông Dàng chia sẻ. Chi phí điều trị đái tháo đường ở Việt Nam ước tính khoảng 320 triệu USD năm 2007, dự đoán tăng lên 1,1 tỷ USD năm 2025.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng ở tất cả khu vực trên thế giới. Bệnh có tác động rất lớn tới sức khỏe và kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Khoảng 425 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu và 159 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương, dự báo tăng lên 183 triệu người vào năm 2025.
Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng bàn chân dẫn đến đoạn chi... Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể rất mờ nhạt như thường đói và mệt mỏi, đi tiểu nhiều hơn và luôn thấy khát, nhìn mờ, miệng khô ngứa da... Bệnh có thể được chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu định kỳ.
Yếu tố nguy cơ cao gây bệnh đái tháo đường là người béo phì thừa cân, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, phụ nữ sinh con trên 4 kg, buồng trứng đa nang... Để phòng bệnh, cần có lối sống lành mạnh, vận động thể lực, ăn nhiều rau xanh và chất xơ, giảm tinh bột, hạn chế thức ăn chiên xào, không ngồi quá nhiều, giảm stress...