Bác sĩ Quyền, Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, là người trực chính ở Khoa Sản trong đêm sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi) sinh ra bé trai chết lưu có vết rách ở cổ dài 8 cm. Bác sĩ Quyền là bác sĩ đa khoa, có học chuyên môn về sản khoa, từ trước tới nay chưa từng đỡ đẻ song vẫn được lãnh đạo bệnh viện phân công trực sản và hỗ trợ vòng ngoài với các nữ hộ sinh.
Ngày 4/7, bác sĩ Quyền chia sẻ: "Tôi là bác sĩ đa khoa có chuyên môn về sản, chỉ nhận nhiệm vụ trực sản khi được lãnh đạo phân công".
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ Phạm Hồng Cường giải thích, bệnh viện tuyến huyện không phải là bệnh viện chuyên khoa, thiếu nhân sự, nên các bác sĩ đa khoa thường được phân định trực khối. "Theo nguyên tắc, chuyên môn đa khoa như bác sĩ Quyền có thể trực toàn viện, chứ không chỉ riêng Khoa Sản", ông Cường cho biết.
Một lãnh đạo khác của bệnh viện thông tin, các bác sĩ đa khoa trong quá trình đào tạo đều được học qua ngành sản. Trường hợp bác sĩ Quyền, trong những ca đẻ thường vẫn có thể tham gia cùng hộ sinh đỡ đẻ được.
Tối 30/6 sản phụ Tình có dấu hiệu chuyển dạ, thai 35 tuần ngôi đầu. Kíp trực có bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền phụ trách chính và hai nữ hộ sinh, đo tim thai ghi nhận có nhịp đập, khi đỡ sinh không xoay được em bé ra ngoài nên gọi bác sĩ trưởng khoa sản là Nguyễn Minh Đức hỗ trợ. Bác sĩ Đức kiểm tra xác định thai nhi đã chết lưu nên kéo đỡ ra ngoài, trong quá trình này cổ bé có vết rách và được khâu lại 8 mũi.
Sở Y tế Hà Tĩnh và hội đồng chuyên môn bước đầu xác định kíp trực đã thăm khám, theo dõi, chăm sóc sản phụ không đúng quy trình của Bộ Y tế, dẫn đến không phát hiện thai chết lưu đã 7 ngày. Bác sĩ trực cũng không chỉ định siêu âm thai nên không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Nữ hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.