Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đây là một trong những phụ nữ cao tuổi nhất ở Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công. Hiện bé trai đã được gần một tuổi.
Lớn tuổi lại đã mãn kinh, trước đó các bác sĩ đã khuyên không nên có con nhưng bệnh nhân vẫn quyết tâm thụ tinh. Bà xin noãn để làm thụ tinh trong ống nghiệm, rất may mắn là có thai và sinh được một bé trai khỏe manh.
Thế giới cũng ghi nhận không ít phụ nữ ở độ tuổi 60, 70 vẫn mang bầu và sinh con. Theo giáo sư Nguyễn Đình Tảo, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân Y (Hà Nội), khả năng mang thai của người phụ nữ chủ yếu liên quan đến hệ thống nội tiết và tử cung tốt là được. Thông thường phụ nữ sau 45 tuổi là đến giai đoạn mãn kinh, cơ thể suy giảm tiến tới nghỉ dần. Những trường hợp đã mãn kinh mà niêm mạc tử cung tốt thì vẫn có thể xin trứng, làm thụ tinh trong ống nghiệm để có con.
Các bác sĩ không khuyến khích những phụ nữ lớn tuổi mãn kinh sinh con dù thực tế về mặt khoa học có thể được. Những rủi ro khi mang thai trong giai đoạn mãn kinh gồm sảy thai, dị tật bẩm sinh, nhất là hội chứng Down, sinh non, sinh mổ…
Thụ tinh nhân tạo ở phụ nữ cao tuổi rất khó khăn. Nhiều trường hợp tiêm tinh trùng vào trứng vẫn không thụ tinh, phôi không phát triển hoặc phát triển bất thường. Số liệu tại nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, ở những phụ nữ trên 40 tuổi, tỷ lệ thành công tương đối thấp - chỉ khoảng 16%. Đa số phôi tạo ra từ trứng của những phụ này có bất thường nhiễm sắc thể, không thể phát triển thành con được. Sau đó, việc giữ thai còn khó hơn, gần 50% số này bị sảy thai, thai lưu. Nếu dùng trứng của người khác thì vẫn có thể có thai nhưng cũng rất khó khăn do tuổi càng cao, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu càng lớn bởi nội tiết của người cao tuổi quá kém, khó giữ thai.
Phương Trang