Theo Bộ Y tế, các bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam hàng năm số người chết do bệnh tim mạch chiếm 30% ca tử vong.
"Số người trẻ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng", Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch quốc gia cho biết tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, ngày 8/11.
Các ca tử vong tim mạch chủ yếu do không được phát hiện và điều trị kịp thời. Những năm 1980 có khoảng 10% bệnh nhân bị bệnh huyết áp, nay cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp, chiếm khoảng 25% dân số. 10 năm trước, mỗi năm Viện Tim Mạch Quốc gia làm thủ thuật tim mạch can thiệp cho khoảng 5.000 bệnh nhân, nay đạt hơn 12.000. Số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15% mỗi năm.
Trong các bệnh lý tim mạch, động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay, hoặc dẫn đến suy tim và tử vong sau đó. Bên cạnh đó, bệnh tai biến mạch não cũng rất nguy hiểm và để lại nhiều di chứng.
Theo ông Hùng, bệnh nhân tim mạch đang trẻ hóa. Trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng nay có ở bất kỳ lứa tuổi nào. Gần đây, Viện Tim mạch Việt Nam liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, thậm chí là 20. Nhiều bệnh nhân trẻ cũng mắc các bệnh tim mạch và không ít người đã tử vong do nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa bệnh tim mạch là do thói quen, lối sống, ăn uống không hợp lý, ăn nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn, sử dụng thuốc lá, bia rượu, nước uống có ga... lại lười vận động. Thường gặp nhất là ở những người thừa cân béo phì, vòng bụng lớn, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đặc biệt là ở bệnh nhân hút thuốc lá.
Ông Hùng cho biết, Viện Tim mạch quốc gia là viện chuyên ngành tim mạch hàng đầu, tuyến cuối hoàn chỉnh trong cả nước. Mỗi năm điều trị nội trú cho gần 30.000 bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng phức tạp, khám ngoại trú cho hàng trăm nghìn lượt, siêu âm tim cho trên 60.000 lượt.
Từ chỗ chỉ có 55 giường bệnh với 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, hiện viện có 475 giường và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị tim mạch can thiệp.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trần Linh, Trưởng khoa C5, Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết Viện đã liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, hiện đại trên thế giới như kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da, kẹp/sửa van hai lá qua da, khoan cắt điều trị xơ vữa trong điều trị động mạch vành, ứng dụng tế bào gốc; nong màng tim (mở cửa sổ) bằng bóng qua da; đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho bệnh nhân qua đường đùi, đưa thẳng máy vào buồng tim... Những kỹ thuật tiên tiến này đã cứu sống hàng nghìn bệnh nhân.
Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng Viện đón nhận Huân chương lao động hạng 3. Bà yêu cầu Viện tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa vị trí hàng đầu về tim mạch, là điểm đến tin cậy không chỉ đối với người bệnh mà còn với các đồng nghiệp và bạn bè quốc tế.