Nghiên cứu mới đây của nhóm bác sĩ từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Đại học Y Hà Nội, trong 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước tiếp nhận hiến nhận noãn thì có 2 trung tâm chưa tiếp nhận hiến tinh trùng. Đó là Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa và Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, do chưa xây dựng được quy trình cho nhận tinh trùng, hiện chỉ triển khai đông tinh, đông phôi của chính bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
518 người đã hiến tinh trùng tại 21 trung tâm, gần 600 người hiến noãn. Tuy vậy số mẫu tinh trùng được lưu giữ ở ngân hàng rất ít, có những trung tâm chỉ có 1-3 mẫu gửi ngân hàng để phục vụ tráo đổi mẫu. Nguyên nhân là rào cản văn hóa, quy định pháp luật như chỉ được cho một lần, hoán đổi mẫu (muốn xin tinh trùng từ ngân hàng phải có một mẫu khác gửi thay thế)...
Ngân hàng tinh trùng tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội chỉ có 3 mẫu tinh trùng để duy trì. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, cho biết điều kiện để được xin tinh trùng là chồng không có tinh trùng hoặc phụ nữ đơn thân muốn có con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, có giấy tờ xác nhận theo quy định. Người cho tinh trùng phải có giấy khám sức khỏe bình thường, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục HIV, viêm gan B, C, giang mai, xét nghiệm nhiễm sắc thể, không mắc các bệnh lý di truyền... tại cơ sở y tế đủ điều kiện.
Khi kết quả xét nghiệm trên bình thường, người cho sẽ được thử tinh dịch đồ, nếu đủ điều kiện thì mẫu tinh trùng được trữ 3 mẫu, mỗi mẫu tối thiểu cách nhau 3-5 ngày. Sau 3 tháng người cho tinh trùng cần phải kiểm tra lại HIV một lần nữa. Nếu HIV âm tính thì 3 mẫu hiến này chính thức được lưu trữ lại trong ngân hàng tinh trùng ở nhiệt độ -196 độ C. Các mẫu này sẽ được mã hóa vô danh, lựa chọn sử dụng ngẫu nhiên. Người nhận tinh trùng sẽ không biết thông tin về mẫu sử dụng.
Người hiến tự nguyện chỉ tốn chi phí cho các xét nghiệm sức khỏe, không tốn phí lưu trữ thường niên. Trường hợp nam giới có nhu cầu lưu trữ để sử dụng về sau thì phải tốn phí cả hai chi phí. Người đến cho tinh trùng được ngân hàng ghi nhận dấu vân tay, chụp hình để đảm bảo nguyên tắc "chỉ được cho một lần".
Bác sĩ Lê Thị Minh Châu, Trưởng Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết ngân hàng tinh trùng Bệnh viện Từ Dũ thành lập từ năm 2015, đến nay có trên 800 người gửi tinh trùng. Mỗi người gửi mẫu chỉ sử dụng thụ tinh cho một trường hợp. Chỉ một số ít mẫu trong ngân hàng được hiến tặng tự nguyện. Một vài trường hợp trữ tinh trùng để dự trù cho tương lai, chẳng hạn người mắc bệnh ung thư, gửi trước khi điều trị hóa trị, xạ trị. Còn lại phần lớn là gia đình có nhu cầu điều trị vô sinh, vận động người quen đến gửi để trao đổi mẫu.
"Khi điều trị vô sinh, chồng không có tinh trùng, để sử dụng tinh trùng trong ngân hàng, cần phải vận động một người đủ tiêu chuẩn đến hiến thay để đảm bảo duy trì hoạt động của ngân hàng tinh trùng", bác sĩ Châu nói.
Các bác sĩ cho rằng hệ quả của việc một người cho noãn, tinh trùng nhiều lần rất nghiêm trọng. Các nước trên thế giới đều có luật để hạn chế số trẻ em sinh ra từ một người hiến tinh trùng.
Tại Việt Nam, Nghị định 10/2015 của Chính phủ quy định, tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Tuy nhiên, việc kiểm soát cho/nhận noãn hay tinh trùng ở nước ta rất khó khăn. Một người có thể hiến tinh trùng, noãn tại nhiều nơi khác nhau mà vẫn chưa có cách nào để kiểm soát hay nhận biết.
Hiện, chỉ có 9 trên 23 trung tâm có phần mềm nhận diện trùng lặp, nhằm đảm bảo tinh trùng, noãn hiến tặng chỉ được sử dụng cho một người, nếu không thành công mới chuyển cho người khác. Bảy trung tâm đã sử dụng các thông tin người hiến, vân tay... để từ chối những người hiến nhiều lần. Tuy nhiên quy trình này chỉ có thể thực hiện được tại trung tâm có phần mềm nhận diện trùng lặp, không sàng lọc được ở các trung tâm chưa sử dụng phần mềm. Việc sàng lọc bằng kinh nghiệm hoặc các công cụ khác chưa hiệu quả.
Các trung tâm hỗ trợ sinh sản đề xuất cần xây dựng một phần mềm thống nhất trong quản lý chung, chia sẻ được thông tin nhằm tránh tình trạng người hiến tặng nhiều lần. Bộ Y tế đang tiến tới liên thông, kết nối giữa các ngân hàng trong cả nước để tránh trường hợp người hiến tinh trùng cho mẫu ở nhiều cơ sở khác nhau.
Khoảng 7,7% cặp vợ chồng Việt Nam bị vô sinh, trong đó 40% vô sinh do nữ, 33% tại nam, do cả hai vợ chồng chiếm 17%. Nhu cầu xin noãn và tinh trùng của các cặp vợ chồng vô sinh ngày càng cao. Mỗi năm có khoảng gần 1.000 trường hợp xin noãn và 700 trường hợp xin tinh trùng để thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm tại 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản khắp cả nước.
Lê Nga - Lê Phương