Những con số này được Tổ chức Ung thư toàn cầu thống kê năm 2018, vừa công bố. Thống kê này cho thấy ung thư hàng năm cướp đi sinh mạng khoảng 8,2 triệu người trên thế giới và 14,1 triệu ca mới. Khoảng 65% bệnh nhân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Với hơn 300.000 bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư mỗi năm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người bệnh cao.
Phát biểu tại hội nghị hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về phòng chống bệnh ung thư ngày 16/4, Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn cho rằng "nhiệm vụ chống bệnh ung thư của Việt Nam đang rất nặng nề".
Ung thư gan đang dẫn đầu loại bệnh ung thư thường gặp ở nam giới, kế tiếp là phổi, dạ dày, đại trực tràng. Ở nữ giới ung thư thường gặp lần lượt là vú, dạ dày, phổi. Phần lớn bệnh ung thư đều có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết người bệnh ung thư ở Việt Nam khám và điều trị ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống thấp.
Hiện Việt Nam có 8 bệnh viện chuyên khoa, 69 trung tâm hay khoa hoặc đơn vị chuyên điều trị ung bướu. Bệnh viện K, Hà Nội, là cơ sở đầu ngành trong phòng chống và điều trị ung thư, thường hợp tác với các bệnh viện và trường đại học trên thế giới để nghiên cứu, cập nhật giải pháp chữa ung thư.
Hợp tác với Vương quốc Anh trong nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K đã khởi đầu nghiên cứu ứng dụng tamoxifen trong điều trị ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi cho phụ nữ ung thư vú.
Bệnh viện K đã thành lập Trung tâm nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trong mạng lưới phòng chống ung thư ở Việt Nam.