Hàng trăm trường hợp truyền máu song thai được phẫu thuật thành công tại Việt Nam thời gian qua. Trong đó, thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội) - bác sĩ thực hiện ca mổ lịch sử đầu tiên và hàng trăm ca sau này, không thể quên thai phụ Huyền Trang (Nghệ An) gần 2 năm về trước.
"Đây là trường hợp hy hữu mà tôi luôn nhớ mãi trong đời làm nghề. Tỷ lệ cứu sống thấp, không thể đứng để mổ mà phải quỳ nhiều giờ liền", bác sĩ Lê kể lại và cho biết việc hai bé khỏe mạnh là niềm tự hào của riêng bà cũng như cả ekip.
Vào một ngày giữa tháng 2/2018, bệnh nhân Huyền Trang (28 tuổi, quê ở Nghệ An) tìm đến Bệnh viện Tâm Anh trong tình trạng khẩn cấp. Kết quả siêu âm cho thấy hai thai nhi 19 tuần bị truyền máu song thai nặng (giai đoạn ba), nhau bám mặt trước. Một thai gần như cạn ối hoàn toàn, thai còn lại đa ối và suy tim, kích thước tim lớn và tràn dịch màng tim. Chỉ còn 5% hy vọng thai sống.
Để điều trị, chỉ có cách duy nhất là phẫu thuật nội soi trong buồng tử cung bằng phương pháp phẫu thuật nội soi thai nhi (phẫu thuật laser). Để thực hiện, bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng tia laser cắt đứt chính xác các mạch máu thông nối giữa các thai nhi, giúp mỗi thai không phụ thuộc vào thai kia. Phương pháp này rất khó, khả năng thành công rất thấp vì tất cả thao tác phải thực hiện bằng thiết bị laser trong tử cung của người mẹ.
Bác sĩ Hiền Lê đã tính phương án chuyển hồ sơ chị Trang sang Malaysia. Tuy nhiên, tiến sĩ, bác sĩ Japaraj A/L Robert Peter - chuyên gia hàng đầu về sản phụ khoa, đặc biệt là các bệnh lý song thai của Malaysia và châu Á - thầy của bác sĩ Lê đang có chuyến công tác nước ngoài nên không thể thực hiện ca mổ.
Do bệnh nhân có tiên lượng rất xấu, cần phẫu thuật gấp nên ekip quyết định bắt tay vào thực hiện một trong những ca mổ khó nhất trong đời và cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam.
"Những giây phút đầu tiên căng như dây đàn, cả ekip vừa mổ vừa cầu nguyện. Nếu không chọn đúng đường vào rất có thể sẽ thất bại, gây tai biến nguy hiểm tính mạng cho mẹ. Thậm chí, cả ba mẹ con có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Sau 45 phút chạy đua với thời gian, chúng tôi tìm được đường vào trong buồng ối để quan sát mạch máu, tiến hành cắt các mạch máu nối thông giữa hai thai, giúp lượng ối hai thai cân bằng và tuần hoàn bình thường", bác sĩ Lê kể.
Thai phụ Huyền Trang cũng vui khi nhớ lại: "Lúc vào được trong buồng ối và quan sát các mạch máu, bác sĩ Hiền Lê hét lên vui như trẻ con".
"Mổ xong và đốt được tương đối các mạch máu, cả ekip đã khóc vì vui mừng", chị Trang kể. Sau khi mổ nội soi một ngày, siêu âm kiểm tra cho thấy tuần hoàn thai nhi phát triển, nước ối tăng lên với mức độ an toàn. Chỉ chậm trễ một ngày sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của thai nhi.
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra với song thai cùng trứng, chung bánh nhau nhưng khác túi ối, rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 1/10.000 bà mẹ mang thai đôi. Không có triệu chứng rõ rệt, quá trình điều trị phức tạp, tỷ lệ rủi ro cao. Hầu hết trường hợp đều sinh non, ngay cả khi được phát hiện và can thiệp thì khả năng tử vong thai nhi và tử vong sơ sinh khá cao (40-60%). Nếu thai phụ mắc hội chứng này ở trước tuần thai thứ 20, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
Ngay sau trường hợp đầu tiên của chị Trang, bệnh viện Tâm Anh tiếp tục nhận ca song thai mắc "tam tai" cùng lúc ba hội chứng nguy hiểm. Song thai một buồng ối một bánh nhau, biến chứng dây nhau xoắn thắt nút, nhau tiền đạo và cài răng lược. Song thai một buồng ối, một bánh nhau rất hiếm gặp, tỷ lệ 1/20.000-35.000 ca.
Chị Thúy (49 tuổi, Hà Nội) mang thai lần đầu tiên sau 20 lần thụ tinh trong ống nghiệm, nhập viện vào tuần thai thứ 8 trong tình trạng song thai chung một buồng ối một bánh nhau, thai nhi có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ.
Ở tuần thai thứ 14, kết quả siêu âm cho thấy song thai gặp thêm tình trạng dây rốn xoắn quấn nhiều vòng, nguy cơ tử vong cho thai nhi trên 50%. Đến tuần thứ 18-19, kết quả siêu âm cho thấy nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, mức độ báo động đã tăng lên gấp đôi.
Với kinh nghiệm điều trị bệnh lý thai nhi trong buồng tử cung, cùng máy siêu âm hiện đại có thể đánh giá chính xác tình trạng của song thai, bác sĩ Hiền Lê quyết định theo dõi sát sao thai kỳ với mong muốn giữ được cả hai em bé. Dù vậy, sự phức tạp của thai kỳ khiến tính mạng của hai thai nhi và chị Thúy luôn ở trong tình trạng nguy hiểm. Đội ngũ bác sĩ phải lập phác đồ theo dõi thai phụ thường xuyên, luôn trong tình trạng sẵn sàng để có thể mổ bắt con.
Đến tuần 31, chị Thúy nhập viện cấp cứu vì bị ra máu. Thai phụ được chỉ định mổ bắt con. Đã rất rõ về tình trạng của bệnh nhân, tuy nhiên, các bác sĩ không khỏi lo lắng vì nguy cơ tử vong của mẹ rất cao. Sau khoảng thời gian căng thẳng, ca mổ đã thành công ngoài mong đợi. Hiện hai bé khỏe mạnh, đã gần 2 tuổi.
Đến nay, hàng trăm ca truyền máu song thai từ nhẹ đến rất nguy kịch đã được phẫu thuật thành công. Nhiều trường hợp thai phụ bị truyền máu song thai giai đoạn bốn với một thai nhi bị phù toàn thân, huyết động học đã biến loạn hoàn toàn, sự sống của thai nhi chỉ tính bằng phút. Nhiều bệnh nhân đến muộn do chẩn đoán ban đầu tại nhiều nơi chưa chính xác hoặc chậm trễ di chuyển từ nhiều địa phương trên cả nước.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lưu Thị Hồng, Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, mỗi ca truyền máu song thai có tình trạng bệnh lý khác nhau, ca nào cũng khó, nhưng các bác sĩ không thể từ chối vì bệnh nhân chỉ còn cơ hội duy nhất là cuộc phẫu thuật này.
"Có trường hợp chúng tôi phải mổ cấp cứu ngay trong đêm khi thai nhi đã 27 tuần, tức ở giai đoạn nguy hiểm vì vượt ngưỡng cho phép can thiệp (từ 16-26 tuần). Lúc này, việc tìm được các mạch máu nối rất khó khăn do nước ối không còn trong suốt, thai nhi quá to che lấp phẫu trường. Khi đó, chỉ cần một cử động nhẹ của thai cũng đã làm nên một cơn 'sóng thần' trong buồng tử cung khiến tia laser bị đẩy đi xa vạn dặm so với đích đến...", bác sĩ Hiền Lê chia sẻ.
Để thực hiện thành công phẫu thuật nội soi laser trong buồng tử cung điều trị hội chứng truyền máu song thai, bác sĩ không chỉ cần kinh nghiệm, sự quyết đoán, mạo hiểm mà phương tiện máy móc hỗ trợ cũng là điều kiện tiên quyết.
Các dụng cụ chuyên dụng để phẫu thuật thai nhi trong buồng tử cung phải chuyên dụng, riêng biệt và đầu tư đồng bộ với công nghệ cao như máy Multibeam (Đức), máy siêu âm Doppler hiện đại hàng đầu thế giới...
Thành công ngoài mong đợi của những ca mổ trong bụng mẹ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội giúp hàng trăm em bé được cứu sống và chào đời khỏe mạnh, đặt dấu ấn đầu tiên và quan trọng cho ngành y học bào thai tại Việt Nam. Thành công này tiếp tục khẳng định truyền máu song thai và nhiều bệnh lý bào thai có thể điều trị thành công ngay trong nước.
Ngọc An
Các chuyên ngành mũi nhọn:
- Sản phụ khoa
- Thụ tinh nhân tạo, IVF với tỷ lệ thành công trên 60%
- Nam học, tiết niệu
- Nội soi tiêu hóa
- Nhi khoa
- Thần kinh, tâm thần
- Tai mũi họng...
Tổng đài tư vấn miễn phí: 1800 6858
Địa chỉ: 108 phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.