Ngày 2/6, bác sĩ Ruth Shaylor từ khoa Gây mê và Giảm đau Bệnh viện Austin ở Melbourne (Australia) báo cáo về sự cố hỏa hoạn hy hữu trên bàn mổ.
Trước đó bệnh nhân 60 tuổi được phẫu thuật cấp cứu do bị bóc tách động mạch chủ - hiện tượng xảy ra khi lớp trong của động mạch bị rách khiến hai lớp động mạch tách khỏi nhau. Ông từng được chẩn đoán tắc nghẽn phổi mạn tính (COPD).
Trong khi phẫu thuật, đội ngũ y tế phát hiện phổi phải của bệnh nhân bị vướng vào xương ức, một số mô phổi căng phồng. Rất cẩn thận khi mở khoanh ngực bệnh nhân, các bác sĩ phẫu thuật vẫn vô tình chạm vào một mô phổi, khiến không khí từ phổi người đàn ông tràn ra ngoài.
Để ngăn ngừa các vấn đề hô hấp, kíp mổ nhanh chóng bổ sung oxy cho bệnh nhân đồng thời dùng máy đốt điện để cầm máu. Lúc này, tia lửa phát ra từ thiết bị đốt điện bắt sang túi gạc khô, gây cháy.
May mắn, hỏa hoạn nhanh chóng được dập tắt bằng nước muối, bệnh nhân không bị thương tích do lửa. Ca phẫu thuật tiếp tục và kết thúc sau đó mà không có sự cố nào khác xảy ra.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, mặc dù hiếm gặp, hỏa hoạn trong khi phẫu thuật vẫn có thể xảy ra. Có ba yếu tố làm tăng nguy cơ hỏa hoạn khi phẫu thuật bao gồm: nguồn oxy bổ sung, nguồn đánh lửa (ví dụ thiết bị đốt điện) và nguồn chất đốt (ví dụ gạc phẫu thuật hoặc tóc, da bệnh nhân).
Trường hợp bệnh nhân Australia này sẽ được trình bày kỹ hơn trong tuần này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Gây mê Châu Âu diễn ra ở Vienna (Áo). Bác sĩ Ruth Shaylor nhận định sự cố cho thấy y bác sĩ cần được huấn luyện đối phó và phòng chống cháy nổ. Đặc biệt, đội ngũ y tế cần lưu ý rằng trong một số hoàn cảnh phẫu thuật, nồng độ oxy và nguồn nhiệt tăng sẽ kéo theo nguy cơ hỏa hoạn.
Minh Nguyên (Theo Eurekalert)