Kết quả nghiên cứu công bố ngày 25/11, cho thấy người dân sinh sống tại các khu vực ô nhiễm có nguy cơ cao bị cườm nước (Glaucoma), còn gọi là chứng tăng nhãn áp dẫn đến mù vĩnh viễn. Glaucoma xảy ra do sự tổn hại các tế bào võng mạc ở đáy mắt.
Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2006 đến năm 2010 trên 111.370 người Anh. Các nhà khoa học tiến hành kiểm tra mắt, đo nhãn áp và quét laser võng mạc người tham gia, sau đó so sánh dữ liệu này với nồng độ ô nhiễm trong khu dân cư sinh sống, tập trung vào các yếu tố như bụi mịn P2.5.
Nhóm nghiên cứu phát hiện 6% dân số trong các khu vực ô nhiễm nặng mắc bệnh cườm nước, cao hơn nhiều so với những vùng có môi trường trong lành. Nhiều người có giác mạc mỏng, một trong những tiến triển điển hình của bệnh glaucoma.
Tiến sĩ Sharon Chua, Viện Nhãn khoa và Bệnh viện mắt Moorfields, Đại học London, kết luận ô nhiễm không khí có thể gây ra bệnh cườm nước do sự co thắt mạch máu, dẫn đến mù lòa.
Giáo sư Paul Foster đứng đầu công trình nhấn mạnh, nghiên cứu được thực hiện tại Anh, nơi có nồng độ ô nhiễm tương đối thấp so với nhiều khu vực. Kết quả nghiên cứu toàn cầu có thể còn tiêu cực hơn nhiều.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh cườm nước là nguyên nhân gây mù lòa thứ hai, chiếm tỷ lệ 8%. Ước tính đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 79,6 triệu người mắc bệnh glaucoma, trong đó số bệnh nhân châu Á chiếm 47%. Dự đoán số người mù cả hai mắt là 5,3 triệu người.
Thục Linh (Theo Science Focus)