Phát biểu tại tọa đàm “Vì sức khỏe người dân” cuối tuần qua, bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, kỹ thuật ghép tạng ở Việt Nam không thua kém gì so với nước ngoài, tuy nhiên việc ghép tạng ở nước ta còn nhiều khó khăn. Trong đó khó khăn lớn nhất là nguồn hiến tạng khan hiếm.
Hiện nay, cả nước khoảng 5.000 người có nhu cầu ghép thận và hàng nghìn người chờ ghép gan, tim. Theo số liệu của Hội Gan mật Việt Nam, một năm có hơn 20.000 người chết vì ung thư gan và viêm gan. Thế nhưng mỗi năm các bệnh viện lớn chỉ có thể thực hiện ghép được khoảng 100 ca thận và tim, còn ca ghép gan thì đếm trên đầu ngón tay.
Các chuyên gia đánh giá nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Do nhận thức của nhân dân về việc hiến tặng mô tạng nên nguồn hiến còn hạn chế. Tuyên truyền về hiến mô, tạng sau khi chết, chết não cũng còn hạn chế, chưa được nhiều người biết, hệ thống cung cấp thông tin, tư vấn và đăng ký hiến tặng còn thiếu.
Tính từ ca ghép gan thành công từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam năm 2010, đến nay Bệnh viện Việt - Đức đã ghép thành công 25 ca. Mới đây, lần đầu tiên lịch sử y học Việt Nam có ca ghép tạng thành công mà tim, gan của người hiến được vận chuyển xuyên Việt từ TP HCM ra Hà Nội bằng máy bay.
![vd1-1351659565-500x0-137249595-3422-5279](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2015/09/12/vd1-1351659565-500x0-137249595-3422-5279-1442070207.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KhvfBLi2GMifvvwG-y6AUg)
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
“Một ca ghép gan ở Việt Nam chi phí khoảng hơn một tỷ, ghép tim 500 triệu đến một tỷ đồng. Số tiền đó rất lớn đối với người dân, chưa kể sau khi ghép cần phải thuốc thang, nếu như không có bảo hiểm y tế thì dân không đủ khả năng chi trả cho ca ghép tạng”.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo vận động, tuyên truyền người dân về việc hiến tạng. Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Hội Ghép tạng Việt Nam đã được thành lập. Nhiệm vụ của các hội này là vận động người dân, tổ chức chính trị, xã hội hiểu được ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của việc hiến mô, tạng, giúp người bệnh được sống.
Lê Nga