Sáng 4/6, Bệnh viện Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ họp, đề xuất Sở Y tế, UBND TP Cần Thơ ba phương án xử lý tình trạng thiếu máu và chế phẩm máu, mỗi giải pháp đều có ưu và nhược điểm.
Phương án một là nhanh chóng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, vật tư y tế. Nếu phê duyệt nhanh trong vòng 1-2 tuần, thì trong khoảng bốn tháng nữa sẽ có kết quả đấu thầu. Sau đó, có thể mất thêm khoảng 1-2 tháng để đơn vị trúng thầu chuẩn bị, cung ứng mới. Số vật tư, hóa chất này có thể sử dụng trong khoảng một năm, giá trị khoảng 150 tỷ đồng.
Phương án thứ hai là mua sắm trực tiếp (áp thầu), giá trị khoảng 30-40 tỷ đồng, thì sẽ mất khoảng 1-2 tháng sẽ có hóa chất, vật tư y tế, sử dụng khoảng ba tháng, trong thời gian chờ kết quả đấu thầu.
Phương án thứ ba là mua gói nhỏ lẻ, theo thẩm quyền, giá trị dưới 100 hoặc 500 triệu đồng. Số vật tư này cũng chỉ giải quyết tạm ổn cho nhu cầu cấp cứu, điều trị các bệnh về máu của bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho hay hiện miền Tây còn máu phục vụ cho việc cấp cứu, nhưng hết chế phẩm và nhóm máu hiếm, đặc biệt là tiểu cầu, để cấp cứu.
"Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan để cố gắng tối đa có nguồn máu và chế phẩm phục vụ nhu cầu cấp cứu, điều trị cho các bệnh viện trong khu vực", bác sĩ Việt nói.
Còn bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết hiện mỗi ngày có khoảng 150 bệnh nhân cần truyền máu; trong đó, 50% trường hợp cấp cứu. Nguồn máu và chế phẩm, chủ yếu từ Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, rất khan hiếm.
Để giải quyết khẩn cấp tình trạng thiếu, hôm 3/6, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, đề nghị Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm Máu Quốc gia làm đầu mối điều phối cung ứng máu cho miền Tây. Các bệnh viện Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Truyền máu - Huyết học TP HCM và những trung tâm truyền máu khác, bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm hỗ trợ 74 bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ.
Yêu cầu đặt ra là "phải có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, không để thiếu gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám chữa bệnh", theo ông Khuê. Đồng thời, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ phải có giải pháp để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện và "chịu trách nhiệm nếu thiếu máu, chế phẩm máu ảnh hưởng đến người bệnh".
Riêng Sở Y tế Bạc Liêu cần phối hợp với Sở Y tế Cần Thơ và các đơn vị liên quan trong cung cấp máu để giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Trả lời VnExpress, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã triển khai cung cấp máu cho các tỉnh miền Tây.
Các trung tâm máu khác hiện chưa phản hồi.
Trước đó, bệnh viện ở miền Tây đã ký hợp đồng với Chợ Rẫy để cung ứng máu, tuy nhiên không thể tiếp nhận khối tiểu cầu do thời hạn bảo quản rất ngắn (khoảng 3 ngày). Bệnh viện đã thực hiện nhiều gói thầu mua sắm dưới 100 triệu đồng theo quy định nhưng số lượng không đáp ứng nhu cầu thực tế.
Do khó khăn trong đấu thầu, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ không còn túi lấy máu để điều chế, xét nghiệm, sàng lọc và cung cấp máu, chế phẩm máu cho 74 bệnh viện ở miền Tây. Tình trạng thiếu máu và các chế phẩm từ máu kéo dài hơn một năm qua, nhưng nghiêm trọng nhất là từ tháng 3 đến nay.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh phải xin lỗi bệnh nhân đang cần truyền máu, hoặc hoãn mổ vì không có máu. Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đề nghị sử dụng máu tiết kiệm, chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu.
Minh An - Mỹ Ý - Huy Phong