Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 2018 số bệnh nhân sởi ở châu Âu tăng kỷ lục, cao nhất trong vòng 10 năm. Trong hơn 82.000 ca bệnh được ghi nhận, 72 người đã tử vong, gần gấp đôi năm 2017.
Ukraine chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch sởi với 53.218 bệnh nhân. Ước tính cứ một triệu dân Ukraine có 1.209 người mắc sởi, cao gấp 10 lần năm 2017.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tiêm phòng sởi, quai bị và rubella ở Ukraine gần đây giảm mạnh do mâu thuẫn với Nga, là nguyên nhân dịch bùng phát. Năm 2016, tỷ lệ tiêm phòng ở Ukraine đạt 31%, thấp nhất thế giới. Đến cuối năm 2017, số trẻ em được tiêm phòng tại nước này đã cải thiện đáng kể, đạt 90% nhưng vẫn chưa đủ cao.
Nhiều nước giàu như Pháp, Italy cũng ghi nhận hàng nghìn ca bệnh sởi.
"Bức tranh năm 2018 cho thấy rõ rằng mức độ tiêm phòng hiện tại không đủ để ngăn ngừa dịch sởi", tiến sĩ Zsuzsanna Jakab, giám đốc khu vực châu Âu của WHO nhận định.
Virus sởi dễ dàng lây lan, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não, thậm chí gây tử vong. Tiêm vắcxin là phương pháp hiệu quả nhất để phòng tránh sởi. Để bảo vệ cộng đồng, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi cần đạt đến 95% dân số.