Hơn 2.000 mẫu bệnh phẩm nữa sẽ có kết quả xét nghiệm tối nay, bác sĩ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thông tin tại cuộc họp trực tuyến Bộ Y tế với 300 điểm cầu từ Hà Tĩnh trở ra, chiều 29/3.
Trong số hơn 5.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc những ngày qua, có 4 ca dương tính được Bộ Y tế ghi nhận sáng nay. Chưa có nhân viên y tế nào trong số mẫu xét nghiệm sàng lọc này nhiễm nCoV.
Tối 28/3, bệnh viện cùng quân đội di chuyển gần hết số người nhà của bệnh nhân trong viện đến khu cách ly tập trung tại Láng Hòa Lạc. Số ít còn lại ở bệnh viện là người nhà của những bệnh nhân có nguy cơ tử vong (do bệnh lý khác), đều được kiểm soát và có khu vực riêng.
Bệnh viện Bạch Mai có 793 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 353 người có thể ra viện, 137 bệnh nhân có khả năng chuyển tuyến, 198 bệnh nhân nặng không thể di chuyển ra khỏi viện nếu không có phương tiện hỗ trợ.
Bác sĩ Hùng cho biết sau khi 100% người trong viện được xét nghiệm, sàng lọc, có kết quả âm tính, bệnh viện được tiêu độc khử trùng mọi chỗ, thì "khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai còn sạch hơn các điểm ngoài".
Khó khăn của Bạch Mai là khi lãnh đạo thành phố Hà Nội ra quyết định cách ly tất cả người liên quan từ ngày 12/3 đến nay, toàn bộ y bác sĩ bệnh viện bị địa phương "coi như là bệnh nhân dương tính".
"Họ bị địa phương yêu cầu ở tại chỗ, không di chuyển, gây khó khăn cho y bác sĩ đi lại. Ca trực trước xong rồi, ca sau phải đến nhưng người trong viện không thể ra khỏi còn y bác sĩ từ ngoài không thể đến viện", bác sĩ Hùng nói. "Việc cách ly gây rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị tiếp".
Hiện, lãnh đạo bệnh viện làm phiếu xác nhận nhân viên đã có xét nghiệm âm tính để họ được di chuyển. Tuy nhiên lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng nếu "quy định cách ly" không được điều chỉnh, không gỡ khó cho nhân viên y tế thì chỉ trong 3 ngày tới bệnh viện sẽ rất thiếu y bác sĩ tham gia điều trị bệnh nhân.
"Phải có hành động quyết liệt để nhân viên y tế được đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc", giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói.
Ông Tuấn cũng thông tin, khoa chạy thận vẫn đang hoạt động. Tất cả bệnh nhân chạy thận nhân tạo trong bệnh viện đã kê khai y tế, dịch tễ, cam kết tự cách ly theo đúng hướng dẫn. Bệnh viện cũng đã thống nhất với phường có bệnh nhân chạy thận nhân tạo, phối hợp giám sát bệnh nhân chạy thận xong phải về nhà. Khi vào bệnh viện chạy thận phải đi bằng lối riêng, có nhân viên hướng dẫn, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện. Những biện pháp này nhằm giảm nguy cơ đưa nguồn nhiễm bệnh từ ngoài vào.
Hiện liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai có 16 bệnh nhân Covid-19, trong đó đến 7 ca là nhân viên công ty Trường Sinh - đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bạch Mai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá "Trường Sinh đang là vùng dịch nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng".
"Công ty này không những cung ứng dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai mà còn cung ứng cho các bệnh viện khác", ông nói.
Theo ông, cần phải đặc biệt theo dõi, sàng lọc những người đã từng ra vào, tiếp xúc ở căng tin bệnh viện. Ví dụ, người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế ăn uống ở căng tin, người phục vụ trong bệnh viện có giao lưu đi lại, người học tập, thực tập, trao đổi chuyên môn tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay. Ngoài ra còn có mạng lưới người phục vụ chăm sóc bệnh nhân thuê tại bệnh viện.
"Bệnh viện cần phải lập danh sách những người này để giám sát, sàng lọc", Thứ trưởng Long yêu cầu.
16 ca Covid-19 liên quan đến Bạch Mai, đến sáng 29/3 gồm:
- "bệnh nhân 86", 87 - 2 nữ điều dưỡng;
- "bệnh nhân 107" - con gái 86;
- "bệnh nhân 133", 161 - điều trị tại khoa Thần kinh;
- "bệnh nhân 173" - con dâu 133;
- "bệnh nhân 162" - con dâu 161;
- "bệnh nhân 163" - cháu 161;
- "bệnh nhân 170" - đưa bố đi khám và điều tri;
- 7 bệnh nhân gồm 168, 169, 174, 175, 176, 177, 178 đều là nhân viên công ty Trường Sinh cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai.