Chính quyền địa phương hôm 12/11 cho hay nguyên nhân bệnh chưa được làm rõ.
"Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn bệnh lây lan và điều trị hai bệnh nhân, đồng thời tăng cường giám sát", Fabio Scano, điều phối viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc, cho biết.
Nhà chức trách cũng tăng cường kiểm soát thông tin liên quan đến bệnh dịch hạch trên mạng Weibo, yêu cầu người dân không đăng tin thất thiệt.
Từ năm 2014 đến tháng 9, Trung Quốc ghi nhận 5 người tử vong vì bệnh dịch hạch, trong đó một cặp vợ chồng Mông Cổ chết sau khi ăn thận sóc sống. Năm 2014, chính quyền tỉnh Cam Túc đã tiến hành kiểm dịch 151 người, cách ly 30.000 người dân sau khi một người đàn ông chết do bệnh hạch.
Dịch hạch là bệnh lý truyền nhiễm do vi khuẩn Yersinia pestis, lây từ động vật gặm nhấm như thỏ, chuột mang mầm bệnh. Bọ chét nhiễm khuẩn là vật trung gian truyền bệnh. Ở Việt Nam vector gây bệnh chính là bọ chét Xenopsylla cheopis sống ký sinh chủ yếu trên chuột.
Trên lâm sàng, dịch hạch được chia làm nhiều thể, bao gồm: thể hạch, thể phổi, thể não và thể nhiễm khuẩn huyết; trong đó thể hạch chiếm hơn 90%.
Theo WHO, thể phổi là "dạng dịch hạch nguy hiểm nhất", nguy cơ lây nhiễm rất cao, bệnh nhân không được chữa trị kịp thời có thể tử vong trong vòng 24-72 giờ. Người bệnh hít phải vi khuẩn dịch hạch thể phổi khi chúng phát tán trong không khí, hoặc do mổ xẻ, ăn thịt động vật nhiễm bệnh. Vi khuẩn có thể truyền sang người khác khi ho mà không cần vật trung gian. Bệnh có các triệu chứng sốt, đau đầu, suy nhược cơ thể, sau đó chuyển sang ho, đau ngực, khó thở, đôi khi ho ra máu.
Dịch hạch từng gây ra "Cái chết Đen" vào giữa thế kỷ 14 trong lịch sử châu Âu, cướp đi sinh mạng của 30 triệu người, chiếm 33% dân số châu lục này thời đó.
Lê Hằng (Theo AFP, ABC)