Ca nhiễm tại Singapore được báo cáo hôm 11/4. Cùng ngày, Nhật Bản ghi nhận một nhân viên y tế dương tính với nCoV sau tiêm hai liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Cả hai trường hợp đều không biểu hiện triệu chứng.
Mắc Covid-19 sau hai lần tiêm vaccine là chuyện không mới. Tuy nhiên, theo giới chức y tế, những ca lây nhiễm này cho thấy sự cần thiết của việc luôn nâng cao cảnh giác và duy trì các biện pháp phòng dịch. "Ca nhiễm mới là lời nhắc nhở rằng người đã tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm virus. Vì thế, chúng ta không được lơ là", Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết.
Người công nhân mắc Covid-19 kể trên là một chàng trai 23 tuổi đến từ Ấn Độ, sống tại khu trọ ở phía nam Singapore. Anh này được tiêm mũi vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên ngày 25/1 và mũi thứ hai ngày 17/2.
Trong đợt xét nghiệm giám sát định kỳ cho cộng đồng người nhập cư, anh này có kết quả dương tính với nCoV hôm 7/4. Chàng trai được cách ly ngay khi xét nghiệm lần hai cũng cho kết quả tương tự. Do người này có xét nghiệm âm tính vào tháng 3, giới chức cho rằng anh nhiễm virus cách đây không lâu.
Trường hợp này đặc biệt vì khoảng thời gian từ khi tiêm phòng tới lúc phát hiện bệnh tương đối dài. Ngoài ra, thân thế bệnh nhân cũng đáng lưu ý. Người lao động nhập cư vốn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề khi Covid-19 càn quét những khu trọ đông đúc ở Singapore vào năm 2020.
Singapore đang triển khai vaccine nhanh hơn các nước láng giềng châu Á, Bộ Y tế nhấn mạnh các biện pháp an toàn, xét nghiệm và truy vết vẫn đóng vai trò thiết yếu trong kiểm soát dịch. Cơ quan này cũng lên tiếng trấn an người dân về hiệu quả của vaccine trong phòng chống Covid-19 có triệu chứng.
Tính đến ngày 10/4, Singapore đã triển khai được tỷ lệ trung bình 28,5 liều vaccine trên 100 người dân. Thành tích này giúp quốc gia dẫn trước Trung Quốc (11,43 liều), Hong Kong (10,55 liều), Ấn Độ (7,36 liều), Indonesia (5,51 liều), Hàn Quốc (2,37 liều) và Nhật Bản (1,26 liều). Trong khi đó, Israel, nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng, đã cung cấp 118 liều vaccine trên 100 người.
Ngày 2/4, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cung cấp báo cáo cho thấy vaccine Pfizer và Moderna có hiệu quả thực tế lên tới 90% và phát huy tác dụng sau 14 ngày. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đối với các nước hiện nay là ngoài phòng bệnh, vaccine ảnh hưởng tới sự lây truyền của virus như thế nào. Bộ Y tế Singapore cho rằng cần có nghiên cứu sâu hơn để xác định vấn đề này.
Mai Dung (Theo Nikkei Asia)