Ban Chỉ đạo Chống dịch Covid-19 tại Hà Nội sáng nay họp bất thường về công tác chống dịch trên địa bàn. Đây là cuộc họp bất thường thứ hai của Hà Nội kể từ khi có bệnh nhân đầu tiên ở thủ đô mắc Covid-19, tối 6/3.
Nâng bậc cách ly
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết đến 8h sáng nay đã lập danh sách 33 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân tên Nhung và 90 người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2). Trong đó 27 người được lấy mẫu xét nghiệm, 25 mẫu đã có kết quả âm tính. Hai trường hợp nghi nhiễm còn lại gồm lái xe và bác gái bệnh nhân, chưa có kết quả xét nghiệm. Các trường hợp khác đã được lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết 25 đội phản ứng nhanh điều tra tối đa để tìm những người nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc F1, F2, F3. Xấp xỉ 200 người đã được điều tra, nắm danh sách và đưa đi cách ly.
Hà Nội quyết định nâng một bậc cách ly, tức người trong diện cách ly tại nhà vẫn đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế thì tiến hành cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca Covid-19. Các trường hợp F4, F5 cách ly tại nhà 14 ngày, kiểm tra thân nhiệt ngày 2 lần. Tiếp tục điều tra giám sát mở rộng theo phương châm "điều tra đến đâu cách ly đến đấy", vì các nhóm này có thể phát bệnh bất cứ lúc nào.
Hiện Bệnh viện Hồng Ngọc đã được yêu cầu dừng hoạt động, các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện này được khuyến cáo không ra viện. Hơn 500 người của Bệnh viện Hồng Ngọc được tổ chức cách ly riêng tại một địa điểm ở Long Biên để giảm nguy cơ lây bệnh.
Các quận có người được cách ly
Hai nơi hiện được xem như ổ dịch là khu phố Trúc Bạch - nhà bệnh nhân, và Bệnh viện Hồng Ngọc - nơi bệnh nhân đến khám đầu tiên trước khi chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Tại khu phố Trúc Bạch, nhân viên y tế giám sát sức khỏe tất cả người dân trong khu vực mỗi ngày 2 lần, nếu ai ho sốt thì chuyển thành ca nghi ngờ nhiễm virus và đưa vào viện cách ly.
Trong số những người đã cách ly, quận Ba Đình có 3 người là nhân viên y tế của Bệnh viện Hồng Ngọc và một người trong tổ bay VN0054.
Quận Hoàn Kiếm có một người trú tại phố Phùng Hưng là nhân viên khách sạn tiếp xúc với cô Nhung. Một số hành khách khác trên chuyến bay cư trú rải rác tại quận Hoàn Kiếm.
Tại quận Hoàng Mai có 4 người cách ly, trong đó một bác sĩ trực tiếp điều trị cho cô Nhung, 2 nhân viên y tế và một kỹ thuật viên của Bệnh viện Hồng Ngọc. Bác sĩ và 2 nhân viên y tế cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2, còn người kỹ thuật viên cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Ở Quận Đống Đa có 15 trường hợp đang cách ly. Trong đó, một người là nhân viên y tế Bệnh viện Hồng Ngọc cách ly ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2. Có 26 người ở Ứng Hòa được cách ly tại cộng đồng do tiếp xúc với người tiếp xúc gần. Năm người trong gia đình người lái xe cho cô Nhung và một nhân viên bảo vệ được cách ly tại nhà.
Huyện Chương Mỹ có một trường hợp 2 lần tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, thân nhiệt 37,4 độ được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Cơ quan chức năng địa phương đang rà soát toàn bộ người đã tiếp xúc với trường hợp này.
Sóc Sơn có một trường hợp tiếp xúc bệnh nhân, 4 người có liên quan được cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
Quận Tây Hồ có 29 trường hợp cách ly tại quận, không có biểu hiện sốt. Một người bay cùng chuyến bay bệnh nhân cũng được cách ly.
Quận Cầu Giấy cách ly 9 người trong đó có một tiếp viên hàng không. Quận này đông người nước ngoài, sinh viên đã nhập học nên cơ quan chức năng tăng cường cách ly, kiểm soát.
Quận Long Biên có 10 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân tại Bệnh viện Hồng Ngọc được cách ly lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, 3 trường hợp cách ly ở quận.
Nhà, bệnh viện, các khu vực xung quanh nhà những người này đã được phun khử trùng và toàn bộ gia đình đưa đi cách ly tập trung hoặc giám sát y tế tại nhà.
Mở rộng giám sát y tế
Sở Y tế Hà Nội đánh giá "tình hình dịch diễn biến rất phức tạp". Dự kiến có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới do bệnh nhân đã có quá trình sinh hoạt tại nơi ở và tiếp xúc với một số người thân khi về nước. Ngoài ra những người tiếp xúc gần với cô Nhung đã đi lại nhiều nơi.
UBND TP tiếp tục phối hợp với sân bay Nội Bài thu thập thông tin 217 hành khách và phi hành đoàn đi cùng chuyến VN0054 với bệnh nhân. Trong số này có 149 người nước ngoài, 48 người Việt Nam gồm 20 người ở Hà Nội và còn lại ở tỉnh khác. Với những người nước ngoài, hiện Hà Nội chưa xác minh được nơi tạm trú 28 người.
Tổ điều tra dịch tễ ghi nhận trên chuyến bay cô Nhung ngồi ghế số 5K, đeo khẩu trang, khoang hạng C có 3 người Việt Nam và 18 người nước ngoài. Một tiếp viên hàng không có tiếp xúc bệnh nhân. Hành khách đi 6 chuyến bay sau ngồi ở số ghế cô Nhung đã ngồi, hiện cũng xác định được và đang giám sát y tế.
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An, cho biết đã trích xuất dữ liệu chuyến bay và số hành khách trên chuyến bay. Cục đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch gửi danh sách người tiếp xúc gần bệnh nhân cho các địa phương để tiến hành cách ly. Danh sách 149 người nước ngoài ngồi cùng chuyến bay cũng được Cục chuyển các đơn vị liên quan để thực hiện kiểm soát.
Các cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ các nhóm tiếp xúc bệnh nhân, không chỉ dừng lại ở F3 mà cả F4, F5. Nhà chức trách kêu gọi người có liên quan dịch tễ với bệnh nhân chủ động liên lạc với cơ quan y tế để được hướng dẫn phòng lây nhiễm.
Cơ quan công an sẽ làm rõ thông tin thất thiệt, xử phạt người tung tin.
"Hà Nội đã phản ứng rất nhanh để kiểm soát dịch bệnh, người dân hãy yên tâm, sẽ không để dịch bệnh bùng phát", Chủ tịch Chung một lần nữa trấn an. Khuya 6/3, trong cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi công bố ca Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch Chung đã kêu gọi người dân bình tĩnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng "mong người dân bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua hàng trong siêu thị".
"Thành phố đảm bảo sẽ cung cấp đủ hàng nhu yếu phẩm cho người dân. Vì vậy mong người dân bình tĩnh", Bí thư Huệ khẳng định.
Tập trung chống dịch
Bí thư Huệ đề nghị tạm dừng các cuộc hội, họp không cần thiết để tập trung chống dịch. Hà Nội cũng không lơ là tổ chức khai báo y tế các trường hợp khác. Bí thư Huệ đề nghị UBND thành phố cho sinh viên học sinh nghỉ tiếp đến ngày 15/3.
Hà Nội học tập kinh nghiệm khoanh vùng chống dịch của Vĩnh Phúc thời gian qua. "Phương châm là đi tận ngõ gõ tận nhà, đưa họ vào bệnh viện sớm", Bí thư Huệ nói.
Thành phố siết chặt yêu cầu khai báo y tế với người nhập cảnh, kiểm soát đo thân nhiệt chặt chẽ. Tất cả khách nhập cảnh buộc phải khai báo y tế chi tiết hành trình "đi từ đâu, di chuyển thế nào". Đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia chống dịch kiểm soát tốt hơn việc đo thân nhiệt, khai báo y tế của người nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ lưu ý người đến từ vùng dịch.
Ông Huệ cho rằng UBND Hà Nội nên đề xuất Bộ Y tế công bố dịch trên địa bàn, theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Các đoàn công tác đi châu Âu từ ngày 25/2 đến nay phải báo cáo lịch sử hành trình để đưa vào diện chú ý.
Lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Y tế tổ chức hướng dẫn phòng dịch cho người dân, lập khu vực khám riêng người có tiền sử dịch tễ và triệu chứng bệnh.
Bệnh nhân 17 là một phụ nữ 26 tuổi tên Nhung ở Hà Nội, cuối tháng 2 sang Anh, Italy và Pháp, tiếp xúc với chị gái là người bệnh Covid-19. Cô này trở lại Hà Nội ngày 2/3, không khai báo y tế khi nhập cảnh. Ngày 5/3, bệnh nhân sốt, đi khám Bệnh viện Hồng Ngọc sau đó sang Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, xác nhận dương tính nCoV tối 6/3.
Tính đến 8h ngày 7/3 cả nước đã ghi nhận 17 trường hợp dương tính với Covid-19. Hà Nội có ca dương tính đầu tiên.
Chi Nguyễn - Lê An