Gặp gỡ các nhà kinh tế Việt Nam thường niên (VEAM) 2019, ngày 18/6, tiến sĩ Estelle Dauchy, Phó Giám đốc Nghiên cứu quốc tế của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (CTFK) Mỹ, cho rằng Việt Nam đã có thay đổi lớn trong chính sách về giá và thuế thuốc lá, song giá thuốc lá vẫn thấp.
Giá một bao thuốc lá tại Việt Nam phổ biến ở mức dưới 20.000 đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá này nằm trong 15 nước thấp nhất thế giới. Thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ bằng 35% giá bán lẻ, rất thấp so với trung bình thế giới (56%). WHO khuyến cáo thuế phải bằng 70% giá bán lẻ.
Các chuyên gia đánh giá tiến trình tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam diễn ra chậm chạp. Trong 13 năm, mức tăng thuế (trên giá xuất xưởng) chỉ tăng 20%.
Bộ Y tế và WHO đều cho rằng Việt Nam cần áp mức thuế tối thiểu đến 5.000 đồng mỗi bao. Càng tăng thuế thì Chính phủ càng có nguồn thu, giá bán lẻ thuốc lá cao thì thanh thiếu niên, người nghèo không có tiền mua.
Viêt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới từ 47% xuống 39% vào năm 2020. Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá cao hơn nữa. Theo Tiến sĩ Estelle Dauchy, hai tuần trước, Quốc hội Pakistan đã thông qua chính sách áp thuế tuyệt đối, áp dụng đồng nhất cho tất cả sản phẩm thuốc lá, trong nỗ lực bù đắp thâm hụt ngân sách và giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra. Cụ thể, Pakistan áp dụng thuế 10 rupee cho mỗi bao thuốc lá 20 điếu, không phân biệt nhãn hiệu. Nguồn thu này sẽ được đầu tư lại để phát triển các chương trình y tế.
Tại Pakistan, thuốc lá là nguyên nhân tử vong hơn 100.000 trường hợp, hơn 24 triệu người hút thuốc (chiếm 19% dân số trên 15 tuổi). Tăng thuế có thể giúp giảm sử dụng thuốc lá, thúc đẩy cai thuốc lá ở người đang hút. Ước tính, Chính phủ thu được hơn 50 tỷ rupee (khoảng 337,8 triệu USD) từ chính sách thuế này.
Mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên thế giới, bao gồm khoảng 40.000 người Việt Nam. Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, trong đó 69 chất gây ung thư. Thuốc lá gây ra hơn 25 loại bệnh, chủ yếu thuộc 4 nhóm chính như ung thư, tim mạch, hô hấp và nhóm các bệnh về sinh sản và sinh dục. Thuế là một trong những chính sách hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút mới, tỷ lệ tử vong sớm.
Năm 2018, Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất hai phương án tăng thuế thuốc lá. Phương án 1 là bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng mỗi bao thuốc; phương án 2 là tăng thuế tỷ lệ theo lộ trình 75-80% và đạt 85% năm 2021. Các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần tăng thuế mạnh hơn. Bộ Y tế, WHO... đều cho rằng để đạt hiệu quả giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc lá còn 39% trong hai năm tới, Việt Nam cần áp dụng mức thuế tuyệt đối 2.000-5.000 đồng mỗi bao thuốc lá. |