Thời quan qua, số F0 nặng và nguy kịch đều tăng thêm mỗi ngày. Chính quyền thành phố đang nỗ lực huy động nhiều biện pháp để giảm F0 nặng, tử vong.
Các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc tầng 2 thời gian qua gấp rút tăng số lượng giường oxy, máy móc điều trị bệnh nhân nặng. Những trung tâm hồi sức tích cực (ICU) tuyến cuối thuộc tầng 3 cũng tiếp tục nâng công suất điều trị.
Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 do Bệnh viện Trung ương Huế vận hành tại Bệnh viện Dã chiến số 14 (quận Tân Phú, TP HCM), hiện lên 650 giường, phân theo 3 tầng điều trị, vượt dự kiến ban đầu là 500 giường. Đây là một trong 5 trung tâm ICU tuyến cuối do Bộ Y tế cùng TP HCM triển khai, dành cho F0 nặng, nguy kịch, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương phụ trách.
Giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, kiêm Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19, cho biết nơi này điều trị khoảng hơn 100 bệnh nhân Covid-19, phân thành 3 tầng gồm bệnh nhân nặng và nguy kịch; bệnh nhân nặng thoát hồi sức và bệnh nhân chờ xuất viện.
"Số bệnh nhân biến động liên tục, tùy thuộc lượng bệnh nặng từ các cơ sở điều trị tầng 2 chuyển lên. Lực lượng y tế luôn sẵn sàng túc trực đêm ngày theo 3 ca, 4 kíp để vừa luôn theo dõi sát người bệnh, vừa để y bác sĩ nghỉ ngơi lấy sức", giáo sư Hiệp chia sẻ. Do đặc thù của bệnh Covid-19, lại chỉ điều trị bệnh nặng, nhân viên y tế tại đây phải đảm đương tối ưu mọi việc từ ăn uống đến sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của nhiều người bệnh, "xem người bệnh như người thân trong gia đình".
Trung tâm hồi sức tích cực này hiện có khoảng 450 y, bác sĩ, nhân viên y tế, trong đó lực lượng chủ lực từ Bệnh viện Trung ương Huế, bên cạnh y, bác sĩ từ Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Phong Da liễu Trung ương Quy Hoà.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 28/8 đến kiểm tra công tác thu dung điều trị tại đây, nhấn mạnh sẽ ưu tiên nhân lực tốt nhất, điều trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế đầy đủ để các Trung tâm hồi sức tích cực điều trị người bệnh tốt nhất, nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Trung tâm ICU của Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) đang điều trị hơn 300 bệnh nhân. Nơi này có quy mô 500 giường hồi sức tích cực, hoạt động từ 7/8. Nhiều trang thiết bị hiện đại của Bộ Y tế và của Bạch Mai đã được vận chuyển vào và lắp đặt để phục vụ người bệnh.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong hơn 300 bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây thì có khoảng 50 bệnh nhân đã bỏ máy thở, tự thở khí trời và đang trong giai đoạn bình phục. Đặc biệt, cô gái 24 tuổi, nặng 130 kg, đã hồi phục ngoạn mục.
"Bệnh nhân mới 24 tuổi, bị tổn thương phổi quá nặng nề, nghiêm trọng. Phổi lại phải gánh khối lượng cơ thể lớn như vậy nên tưởng chừng bệnh nhân không thể vượt qua được", bác sĩ Hùng nói. Các y bác sĩ đã nỗ lực đêm ngày, giúp bệnh nhân cai máy thở sau khoảng 10 ngày.
Bệnh viện Bạch Mai đã đưa vào đây hơn 400 y bác sĩ. Một số tình nguyện viên từ các tôn giáo cũng đã đến hỗ trợ, giúp sức cho nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm giám đốc Trung tâm cho biết nhân lực làm việc tại đây là thầy thuốc, chuyên gia hàng đầu về hồi sức, cấp cứu và điều trị các bệnh về hô hấp. "Hy vọng sẽ có thêm nhiều bệnh nhân khác thoát khỏi nguy kịch", giáo sư Tuấn chia sẻ.
Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cũng nâng số giường điều trị Covid-19 từ 200 lên 350 giường, sau gần 1,5 tháng thiết lập Trung tâm Điều trị Covid-19, kể từ ngày 18/7. Nơi này thuộc tuyến cuối, chuyên tiếp nhận bệnh nhân vừa và nặng trong tháp phân tầng điều trị của TP HCM. Khoảng 30 máy thở, 10 máy lọc máu, hai hệ thống ECMO, tại đây đều hoạt động hết công suất.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhìn nhận với những bệnh nhân nguy cơ cao, nhiều bệnh nền, béo phì, tiểu đường..., việc điều trị rất khó khăn. "Đây là thách thức lớn", ông Sơn nói.
Thời gian qua, ngoài phác đồ điều trị của Bộ Y tế, nơi đây kết hợp kỹ thuật phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, vỗ đập, xoa bóp, xoay trở thay đổi tư thế bệnh nhân, chú trọng trị liệu dinh dưỡng. "Chúng tôi cảm thấy điều này đóng góp rất quan trọng trong chiến lược điều trị, giúp nhiều bệnh nhân nặng hồi phục, chuyển sang vừa và nhẹ nhanh hơn, hô hấp cải thiện rất hiệu quả", thiếu tướng Sơn chia sẻ.
Theo thiếu tướng Sơn, đến nay bệnh viện cứu sống nhiều trường hợp nặng, trong đó có một số sản phụ phải can thiệp ECMO (oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể). Đặc biệt, các y bác sĩ đã hai lần triển khai "chia đôi" máy ECMO để cứu thành công cùng lúc 2 F0 nguy kịch. Đây được xem là bước đi sáng tạo của các bác sĩ, bởi thông thường mỗi máy ECMO chỉ dùng cho một bệnh nhân trong một thời điểm.
Tại buổi họp báo chiều qua, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết hiện nay số F0 vẫn đang tăng. Trước đây, khi thành phố chưa tập trung quản lý điều trị F0 tại nhà, nhiều trường hợp chuyển đến viện không đáp ứng đủ thời gian. Để giải quyết, TP HCM phân lại tầng điều trị và tập trung vào tầng 1 bằng cách phát túi thuốc cho F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà.
"Nếu làm tốt việc chăm sóc, quản lý tại tầng 1 sẽ hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong", ông Hưng nói.
Từ ngày 27/4 đến sáng nay, gần 205.000 ca Covid-19 tại TP HCM được Bộ Y tế công bố. Trong số bệnh nhân đang điều trị hôm nay, có gần 2.175 trẻ em dưới 16 tuổi. Hơn 102.000 người xuất viện, kể từ đầu năm. Hơn 22.000 F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và hơn 17.000 F0 sau xuất viện về theo dõi tại nhà. Ngày 28/8, thành phố ghi nhận 271 trường hợp tử vong, nâng tổng số tử vong lên 8.368.