Trường hợp này được các bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris báo cáo trên Tạp chí Lancet vào ngày 10/8.
Theo đó, ngày 10/6, hai người đàn ông nhập viện với các triệu chứng của đậu mùa khỉ, cụ thể là phát ban kèm đau đầu, suy nhược cơ thể và sốt. Giống với phần lớn các ca nhiễm đậu mùa khỉ được ghi nhận trong năm nay, hai bệnh nhân nhiễm virus thông qua tiếp xúc gần trong quá trình quan hệ tình dục. Cả hai cho biết có quan hệ với những người khác, phát ban sau đó khoảng một tuần. Thử nghiệm PCR cho thấy họ đã mắc bệnh đậu mùa khỉ.
12 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện, cặp đôi nhận thấy chú chó săn xám, 4 tuổi, vốn khỏe mạnh của họ bắt đầu xuất hiện các vết phát ban và tổn thương tương tự xung quanh hậu môn. Xét nghiệm PCR cũng cho thấy sự hiện diện của virus đậu mùa khỉ ở chú chó. Theo kết quả giải trình tự gene, virus thu thập từ chó phù hợp với hai bệnh nhân, về cơ bản xác nhận chuỗi lây truyền. Hai người chủ cũng cho biết họ thường xuyên cho chú chó ngủ chung giường.
Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận đậu mùa khỉ xuất hiện ở chó hay bất kỳ động vật đã thuần hóa nào, theo tác giả của báo cáo.
"Phát hiện của chúng tôi đặt ra câu hỏi: Có cần thiết phải cách ly vật nuôi với những người dương tính đậu mùa khỉ hay không. Chúng tôi kêu gọi điều tra thêm về tình trạng lây truyền thứ cấp qua vật nuôi", các tác giả viết.
Bệnh đậu mùa khỉ bắt nguồn từ những loài gặm nhấm tự nhiên tại châu Phi, song có khả năng lây truyền sang nhiều động vật có vú khác sau tiếp xúc gần gũi. Virus được xác định lần đầu vào những năm 1950, trong số các cá thể khỉ tại châu Âu.
Năm nay, virus đã lây lan rộng hơn bao giờ hết, tại những khu vực mầm bệnh chưa từng lưu hành trước đây. Thế giới báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm, hơn 11.000 ca tại Mỹ.
Dù đã có vaccine và phương pháp điều trị, các chuyên gia lo ngại đợt bùng phát mới sẽ cho phép virus lây lan liên tục và bền vững ở người.
Thục Linh (Theo Lancet)