Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 13/7/2016, 12:53 (GMT+7)

Chống nhầm lẫn trẻ sơ sinh ở bệnh viện sản Sài Gòn

Đeo vòng tay thông tin, đánh dấu mực lên đùi trẻ ngay tại bàn sinh, phương pháp "da kề da"... được các bệnh viện phụ sản TP HCM áp dụng để tránh nhầm lẫn bé mới sinh.

Nữ hộ sinh trưởng Phan Thị Phương Trinh, Khoa Sanh Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) cho biết các cơ sở sản khoa đều có quy trình giao nhận con ngày càng chặt chẽ để tránh nhầm lẫn. Sản phụ vào viện sau khi khai thác hồ sơ bệnh án đều được đeo vòng đeo tay ghi họ tên, năm sinh, số nhập viện. Đây là vòng bằng nhựa không thể tháo ra được, phải dùng kéo cắt bỏ. Những sản phụ có bệnh lý kèm theo sẽ được đeo vòng màu đỏ.

Với các trường hợp sinh ngả âm đạo, trẻ chào đời được thông báo giới tính, ngày giờ sinh và giao cho mẹ ôm trên bụng theo phương pháp “da kề da”. Việc cắt rốn cho bé cũng được thực hiện trên bụng mẹ. 

Các điều dưỡng đẩy xe cân đến tại giường sinh, bế em bé để cân và đo vòng đầu ngay trước mặt bà mẹ. Trong khi đó sản phụ vẫn được bác sĩ hoàn thiện các thao tác sau sinh.

Bé trai được đeo vòng tay màu xanh, bé gái đeo vòng màu hồng. Vòng có ghi họ tên mẹ, năm sinh, số nhập viện, giới tính, cân nặng. 

Mặt sau của vòng tay ký tên nữ sộ sinh theo dõi. Người này phải chịu trách nhiệm thông tin đã viết. 

Điều dưỡng đưa bà mẹ xác nhận thông tin trước khi đeo vào tay em bé vì đeo rồi sẽ không mở ra được. Sau khi xuất viện về nhà, vòng lắc này mới được cắt tháo và nhiều bà mẹ giữ lại cho con như một kỷ vật chào đời.

Đối chiếu thông tin trên vòng tay của mẹ và bé trước khi đeo.

Bên cạnh đó, bé sẽ được hộ sinh dùng mực vẽ vào đùi trái thông tin gồm tên, số nhập viện của mẹ. Mực này khoảng hơn 2 tuần mới phai.

Mũi chích vitamin K sau sinh cho trẻ cũng được thực hiện ngay khi bé còn được mẹ ôm.

Điều dưỡng Lý Bạch Thu Nga, Phó phòng điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ cho biết sản phụ sinh mổ, ngoài vòng tay thì trước giờ mổ sẽ được viết thêm miếng băng keo gồm họ tên, số nhập viện để dán vào cẳng tay. Khi mổ xong, trẻ chào đời cũng được áp dụng "da kề da", với các quy trình sau đó như sinh thường. Miếng băng keo được lấy để dán lên ngực bé.

Suốt quá trình từ phòng sinh về buồng hậu sản, trẻ vẫn luôn được ở sát cạnh mẹ. Trong trường hợp trẻ phải đến khu vực khác như tập vật lý trị liệu..., phải có thân nhân bế bé đi theo nhân viên y tế. Bệnh viện cũng dán thông báo, loa khuyến cáo người nhà giám sát kỹ trẻ. Lúc trẻ xuất viện, bảo vệ kiểm tra đối chiếu thông tin thêm một lần nữa.

 

Tại các bệnh viện phụ sản khác ở TP HCM, quy trình chống nhầm lẫn trẻ sơ sinh cũng được thiết lập chặt chẽ.
Mới đây, 2 gia đình tại Bình Phước bất ngờ phát hiện bị trao nhầm con khi sinh tại Bệnh viện Đa khoa Thị xã Bình Long 3 năm trước. Hai bé gái của hai gia đình ở Thanh Hóa và Đà Nẵng cũng được phát hiện trao nhầm tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa 4 năm trước. Một trường hợp khác trao nhầm cách đây 42 năm tại nhà hộ sinh Ba Đình (Hà Nội), người mẹ này đến nay vẫn đang kiếm tìm con gái ruột của mình.

Lê Phương