Nữ bệnh nhân ngụ Bình Tân, TP HCM, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với khối u ở xương ức có kích thước khoảng 30x30 cm. Khối u lồi ra chiếm trọn vùng ngực, đè vào tim. Bà mang khối u khoảng 10 năm nay. Gần đây u phát triển khá nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và đã đi khám nhiều nơi vẫn chưa xử lý được.
Tiến sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, mỗi lần đứng trước ca mổ khối u xương ức là các bác sĩ rất cân nhắc. U nhỏ đã là vấn đề thách thức, nhiều ca khối u chỉ lớn bằng quả chanh người bệnh đã suýt chết trên bàn mổ. Đối với khối u của bệnh nhân này nếu mổ phải cắt cả xương ức thì tại Việt Nam cũng như khu vực hầu như chưa gặp. Các bác sĩ đấu tranh khá căng thẳng khi đồng ý mổ ca "cầm chắc cái chết" này.
Trong thời gian chuẩn bị, đến hẹn mổ thì bệnh nhân bất ngờ xuất hiện chảy máu, lần đầu mất khoảng một lít máu, lần sau 3 lít. Bệnh nhân may mắn đang nằm viện nên được cấp cứu giữ lại mạng sống kịp thời. Trước tình hình bệnh nhân đối diện với cái chết, không thể chờ đợi thêm được nữa, các bác sĩ tiếp tục hội chẩn để tiến hành mổ khẩn.
"Đây cũng là cơ hội cho bác sĩ. Nếu bệnh nhân không chảy máu thì ca mổ phải cân nhắc rất kỹ, còn tình thế không có đường lùi này lại giúp các bác sĩ có thể tự tin hơn với tình huống bất khả kháng", bác sĩ Vĩnh chia sẻ.
Kế hoạch mổ được đưa ra là cắt toàn bộ xương ức với nhiều vấn đề phải đối đầu. Bản thân xương ức là một cái hồ máu, việc chảy máu khủng khiếp có thể đe dọa tính mạng ngay lập tức. Thứ hai là sau khi mổ cắt toàn bộ xương ức thì lấy cái gì thay thế vì nếu không có khung lồng ngực, không tạo áp lực âm thì phổi không thể hô hấp được.
Thay vì mổ từ ngoài vào, các bác sĩ quyết định rạch đường mổ hai bên đi từ trong ra, khống chế hai động mạch chính nuôi cùng xương ức để hạn chế mất máu. Ngoài ra mổ từ ngoài vào có thể chạm vào tim gây tử vong, nếu đi từ trong ra sẽ không ảnh hưởng đến tim. Sau khi mổ cắt toàn bộ xương ức thành công, các bác sĩ dùng hai miếng lưới titan, mỗi miếng 15x20 cm để thay thế xương ức. Titan là vật liệu tương thích với cơ thể, có thể dùng suốt đời. Việc tạo hình này giúp giữ thành ngực có độ kín, tạo áp lực âm để bệnh nhân có thể tự thở sau mổ bình thường.
Ca mổ kết thúc thành công sau 5 giờ căng thẳng, chỉ truyền 3 đơn vị máu thay vì dự kiến 30 như ban đầu. Sáng 1/12, trở lại bệnh viện tái khám sau mổ 10 ngày, bệnh nhân hồi phục khỏe mạnh ngoài mong đợi và "không nghĩ mình còn sống vì không mổ cũng chết mà bước lên bàn mổ thì chắc cũng không thể qua khỏi".
Lê Phương