Đầu tháng 8, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương đảm bảo duy trì khám chữa bệnh thường quy, trong bối cảnh Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, vẫn có "người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công".
Vì vậy, ngày 6/9, Bộ đề nghị các Sở Y tế bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, có phương án bố trí nhân lực phù hợp, dự phòng tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế. Đối với y bác sĩ có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch cũng như hoạt động khám chữa bệnh, cần biểu dương, khen thưởng; đồng thời giám sát, chấn chỉnh quản lý người hành nghề y tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
"Các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế, sẽ bị xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề", theo Bộ Y tế.
Thực tế, thời gian qua đã có những mất mát với y bác sĩ tuyến đầu. Theo thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, từ đầu đại dịch năm 2020 tới ngày 9/8, có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại TP HCM, một Bình Dương, trong cuộc chiến chống Covid-19.
Đến nay, hơn 16.000 y bác sĩ từ miền Bắc, Trung đã vào tâm dịch phía Nam chi viện. Ngoài đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý khi bệnh nhân quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa...
Các chuyên gia cho rằng cần có chính sách riêng cho lực lượng y tế tuyến đầu như phụ cấp về độc hại, cường độ làm việc, làm ngoài giờ...
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 532.491, ghi nhận ở 62 tỉnh thành.