Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở Việt Nam có xu hướng tiếp tục tăng cao, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại mittinh "Ngày hội tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm", sáng 16/12 tại Hà Nội.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Hơn 3 triệu người chết trong năm 2012 do bệnh này. Dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.
Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi. Bệnh có xu hướng tăng do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Y tế (giữa) và các lãnh đạo Bộ đạp xe diễu hành kêu gọi phòng chống bệnh phổi. Ảnh: T.D.
Hen phế quản là một bệnh hô hấp không lây nhiễm. Hiện Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250.000 người tử vong do bệnh hen, đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.
"Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản cũng như các bệnh không lây nhiễm khác đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh, gây tàn phế, tử vong và các gánh nặng kinh tế cho gia đình", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản có thể sinh hoạt bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 giảm 30% số người hút thuốc, 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, 10% số người thiếu hoạt động thể lực. Kiểm soát số người thừa cân béo phì dưới 15%, gần 30% người bị tăng cholesterol, 30% tăng huyết áp.
Bộ trưởng Tiến kêu gọi, mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm các hành vi và yếu tố nguy cơ. Các cơ sở y tế tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm. Phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân không lây nhiễm tại cộng đồng, đặc biệt là trạm y tế xã để tăng tỷ lệ phát hiện sớm.