Tiền thân của bệnh viện là Phúc Kiến Y viện được thành lập năm 1909 bởi một nhóm người Hoa. Khi ấy y viện chủ yếu trị liệu cho bệnh nhân bằng Đông y. Năm 1959, bệnh viện chuyển sang lĩnh vực Tây y và đổi tên thành Bệnh viện Nguyễn Trãi vào năm 1978, là bệnh viện đa khoa hạng 1 của TP HCM.
Trải qua hơn 100 năm, cơ sở hạ tầng của bệnh viện đã cũ kỹ, xuống cấp, không còn phù hợp. Năm 2018, bệnh viện khởi công Khu điều trị kỹ thuật cao, vốn đầu tư 279 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, gồm 9 tầng nổi, một tầng hầm, 300 giường bệnh nội trú.
"Khu điều trị kỹ thuật cao góp phần thay đổi diện mạo của bệnh viện, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu bằng y tế thông minh, trang thiết bị hiện đại để cung ứng các loại hình dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao", bác sĩ Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết.
Theo đó, Khu điều trị triển khai các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu như nội soi, nội soi 3D để chẩn đoán bệnh lý dạ dày, đại tràng, tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa, điều trị tổn thương ung thư sớm..., rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
Bệnh nhân khám và điều trị tại đây vẫn được hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế như các khu vực khác của bệnh viện. Ngoài ra, bệnh viện hướng tới sử dụng bệnh án điện tử, trao đổi với các bệnh viện có chuyên môn cao để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết.
Hiện mỗi ngày Bệnh viện Nguyễn Trãi tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân ngoại trú và hơn 800 bệnh nhân điều trị nội trú. Do số lượng bệnh nhân khá đông nên khoa Cấp cứu và khoa Hồi sức tích cực - chống độc được bố trí hẳn trong khối nhà mới. "Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển chuyên khoa Hồi sức, một chuyên khoa nền tảng cho tất cả chuyên khoa khác phát triển", bác sĩ Hưng cho biết.
Theo bác sĩ Bùi Ngọc Tân, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, khoa có 32 giường hồi sức bao gồm 16 giường cho bệnh nhân nặng. Một trong số bệnh nhân nặng đang điều trị tại đây là ông Huỳnh Văn Kình, 83 tuổi, chết não, suy hô hấp do dị vật đường thở. Ông được bệnh viện địa phương cấp cứu thành công, sau đó được người nhà ông chuyển về Bệnh viện Nguyễn Trãi.
Các bác sĩ tiên lượng tình trạng ông Kình nặng, phải thở máy. Tuy nhiên, nhờ khu điều trị mới rộng rãi, các giường bệnh đặt cách xa nhau nên hạn chế đến mức tối thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn. Do đó, các bác sĩ cho rằng nguy cơ nhiễm khuẩn cho bệnh nhân Kình giảm, chất lượng điều trị nhờ vậy được nâng cao.
Bệnh viện Nguyễn Trãi là một trong những cơ sở y tế được TP HCM đưa vào đề án phát triển thành Trung tâm y tế chuyên sâu. Mục tiêu của TP HCM là trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của Đông Nam Á.
Tuần trước, Bệnh viện Nhân dân 115 - một cơ sở thuộc đề án trên - cũng khánh thành khu điều trị kỹ thuật cao, có sân bay trực thăng phục vụ dịch vụ cấp cứu đường không, có đường hầm vận chuyển bệnh nhân - là đường hầm chuyển bệnh đầu tiên tại Việt Nam.
Mỹ Ý