Bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện dã chiến đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đêm 3/7. Dù chưa triệu chứng nhưng độ bão hoà oxy máu thấp. Phim chụp phổi ghi nhận tiến triển xấu đi rất nhanh.
Bé được thở áp lực dương liên tục qua mũi, vẫn tỉnh táo nhưng oxy máu tiếp tục không cải thiện, phim phổi xấu dần đi. Bác sĩ chỉ định đặt ống nội khí quản cho bé thở máy theo diễn tiến nguy kịch hô hấp cấp do nCoV gây nên.
Các đợt dịch trước ở Việt Nam cũng như y văn thế giới đều ghi nhận trẻ mắc Covid-19 thường không triệu chứng, biểu hiện lâm sàng hệ hô hấp tương đối nhẹ, ít biến chứng... Em bé này là trường hợp mới và hiếm có độ nghiêm trọng.
Bác sĩ Vũ Hồng Đức cùng điều dưỡng Cẩm Tú, từ Khoa Hồi sức Tích cực xung phong nhận điều động qua Khoa Nhiễm để nhanh chóng đặt nội khí quản và phối hợp theo dõi, điều trị bệnh nhi.
Với cân nặng 90 kg của bé, công việc chăm sóc trở nên nặng nhọc khi xoay trở chăm sóc, hút đờm, thay tã, lấy ven truyền thuốc, lấy mẫu xét nghiệm, khuân vác bệnh nhi đúng hướng chụp X-quang... Đặc biệt, các y bác sĩ phải thao tác trong những bộ đồ bảo hộ ướt sũng mồ hôi.
Sau hơn một tuần điều trị nhiều thử thách, kết quả từng bước khả quan. Hai lá phổi bé sáng dần, thông số máy giảm đáng kể, oxy hoá máu cải thiện ngoạn mục.
Sáng 12/7, bé chính thức được cai máy thở, nhẹ nhàng đưa tay chào các y bác sĩ, có thể nói câu nói đầu tiên "con đói bụng quá" với mẹ. Mẹ bé cũng là F0 không triệu chứng, vào viện túc trực bên cạnh chăm sóc, xoay trở con.
Đây là trường hợp bệnh nhi Covid-19 đầu tiên trong cả nước phải đặt nội khí quản thở máy.
Trong bối cảnh số F0 trẻ em ngày càng tăng, kín công suất 100 giường, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó giám đốc bệnh viện, yêu cầu y bác sĩ khoa nhiễm luôn theo dõi sát và hết sức chi li từng sinh hiệu, triệu chứng trở nặng, từng dấu hiệu cận lâm sàng, phim phổi đúng diễn tiến bệnh của các bé.
Theo đó, béo phì có thể là một trong những yếu tố tăng nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19 và cũng gây nhiều khó khăn trong chăm sóc, điều trị tích cực.