Bệnh nhân 3 tháng tuổi, sống tại Tuaran, bang Sabah, nhập viện ngày 8/12 với các triệu chứng sốt cao, yếu cơ. Hiện, tình trạng sức khỏe bé đã ổn định và được điều trị cách ly.
Theo Noor Hisham Abdullah, quan chức Bộ Y tế Malaysia, bệnh nhi nhiễm một chủng bại liệt có chung liên kết di truyền với virus đang bùng phát tại Philippines.
Kiểm tra dịch tễ khu vực bệnh nhân sinh sống, giới chức y tế cho biết có 23 trong số 199 trẻ em tuổi từ 2 đến 15 chưa được uống vắcxin phòng bệnh bại liệt.
"Đây là một tình huống đáng lo ngại, bởi tiêm chủng là hình thức duy nhất có thể ngăn chặn sự lây lan của bệnh bại liệt", ông Noor Hisham phát biểu. Ông cũng cho biết tỷ lệ tiêm chủng an toàn giúp ngăn ngừa 95% nguy cơ bùng phát dịch.
Giới chức Malaysia đã thu thập các mẫu phân từ những người tiếp xúc với bệnh nhân để phát hiện virus bại liệt, đồng thời tăng cường giám sát các trường hợp tê liệt cấp tính, một triệu chứng phổ biến của căn bệnh.
Năm 2000, Malaysia tuyên bố đã loại trừ hoàn toàn căn bệnh bại liệt. Báo cáo về ca bệnh cuối cùng là vào năm 1992.
Hiện chưa có phương pháp chữa trị bệnh bại liệt sau khi virus xâm lấn hệ thống thần kinh, gây tê liệt vĩnh viễn trong vài giờ. Tuy nhiên, bệnh có thể ngăn ngừa bằng cách uống vắcxin.
Virus bại liệt lây lan nhanh chóng ở trẻ em, đặc biệt là trong điều kiện mất vệ sinh và các vùng kém phát triển hoặc bị chiến tranh tàn phá, cản trở người dân tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
T Jayabalan, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, cho biết ông "không quá ngạc nhiên về sự bùng phát trở lại của bệnh bại liệt, bởi Malaysia không coi việc tiêm chủng là bắt buộc". Ông cảnh báo, trường hợp đầu tiên này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Khả năng cao, số người mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng.
Trong những năm qua, do sự tuyên truyền thông tin sai lệch, một số cha mẹ từ chối cho con cái tiêm phòng bệnh. Năm 2016, có 6 trẻ em nước này đã tử vong vì bệnh bạch hầu, một căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vắcxin. Sau vụ việc, nhiều bác sĩ kêu gọi chính phủ Malaysia ban hành luật bắt buộc tiêm chủng.
Ở nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng giảm đáng kể khiến một số căn bệnh có thể phòng ngừa đã trỗi dậy. Tháng 9/2015, Lào báo cáo trường hợp bại liệt đầu tiên sau gần hai thập kỷ. Bệnh nhân 8 tháng tuổi tử vong sau 5 ngày được chẩn đoán.
Sự nghi ngờ của cộng đồng đối với vắcxin, khâu quản lý của chính phủ, các tôn chỉ đạo đức trong cộng đồng Hồi giáo ở Indonesia và Malaysia... đã ảnh hưởng đến công tác tiêm phòng. Năm ngoái, chiến dịch tiêm chủng của chính phủ Indonesia nhằm phòng tránh bệnh sởi - rubella vấp phải sự phản đối của nhiều cha mẹ theo đạo Hồi.
Thục Linh (Theo SCMP)