Chiều 1/6, đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết ban đầu bé có các triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói, sốt 39 độ C, run toàn thân 10 phút, gọi không biết, vã mồ hôi. Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ III, đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1, sáng 31/5.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé hôn mê sâu, co gồng, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao 41,2 độ C. Bác sĩ chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV, xử trí chống sốc, hỗ trợ hô hấp, lọc máu, tuy nhiên vẫn không thể cứu được bé.
Nguyên nhân bé tử vong nghi do bệnh tay chân miệng. Hiện bệnh viện chờ kết quả xét nghiệm PCR để xác định.
5 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận gần 1. 400 lượt điều trị ngoại trú, 158 ca điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Thống kê cho thấy số ca tay chân miệng không tăng so cùng kỳ năm ngoái, nhưng số ca nặng tăng, với 5 trường hợp nặng, trong đó một tử vong.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TP HCM (CDC) ghi nhận hơn 1.670 ca tay chân miệng, từ đầu năm đến nay. Riêng tuần qua, thành phố ghi nhận 157 ca, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước, tăng kể cả số ca nhập viện và khám ngoại trú.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho rằng sau đại dịch, người dân lơ là trong các biện pháp phòng chống lây nhiễm, không sát khuẩn, ít mang khẩu trang, nên rất dễ lây bệnh. Ngoài ra, bệnh nhi tay chân miệng thường trạng thái tỉnh táo nên gia đình chủ quan, không theo dõi sát, đến khi nhập viện thì đã trở nặng. "Khi đã qua giai đoạn vàng để xử trí thì bệnh chuyển biến rất nhanh", bác sĩ Quy nói.
Hai dấu hiệu điển hình của tay chân miệng nặng là trẻ sốt không thể giảm; ngủ giật mình chới với, hốt hoảng. Trẻ buồn nôn, nôn ói là dấu hiệu bất thường báo động chuyển độ nặng. Trẻ yếu tay, chân là vào giai đoạn biến chứng, cần đến bệnh viện ngay. Nếu xử trí trễ, virus sẽ xâm nhập vào não gây viêm não rất khó điều trị, nhiều biến chứng.
Bệnh chia 4 cấp độ, nặng nhất là độ 4. Một ca biến chứng độ 2-3 phải điều trị khoảng 7 ngày để thoát nguy hiểm và cần phải chăm sóc rất kỹ. Bệnh nhi trở nặng dễ dẫn đến biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp gây suy đa cơ quan và tử vong.
Theo bác sĩ Quy, bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, với hai đợt vào đỉnh là tháng 4-6 và tháng 9-12 hằng năm. Có trẻ không biểu hiện bệnh rõ ràng. Ví dụ, trẻ sốt kèm chảy nước miếng, phụ huynh tưởng mọc răng, bác sĩ khám phát hiện vết loét trong miệng bé khiến không nuốt được, chảy nước miếng. Do đó, bác sĩ khuyến cáo con ở tuổi đi học mà bị sốt, nổi các chấm lạ trên cơ thể là dấu hiệu tay chân miệng, nên đi khám ngay.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Một số trường hợp, bệnh diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để phòng chống, CDC khuyến cáo người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước. Ăn uống vệ sinh, ăn chín uống sôi, vật dụng được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cần đưa đi khám. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh, nhất là trẻ tuổi mẫu giáo vì có thói quen cho tay vào miệng.
Mỹ Ý