Theo người nhà, cô bé đang chơi ở nhà với ông ngoại, 5-7 phút sau người thân không thấy cháu nên đi tìm và phát hiện bé ở dưới ao cá. Cháu được vớt lên trong tình trạng tím tái, không phản xạ, không thở. Không chút chần chừ, ông ngoại và mẹ bé thay phiên nhau cấp cứu bằng cách ép tim, hô hấp nhân tạo cho cháu. Cuối cùng bé nôn được ra nước. Gia đình tiếp tục gọi cấp cứu từ y bác sĩ ở phòng khám gần nhà. Các bác sĩ đến nơi tiến hành đặt nội khí quản cho bé, bóp bóng, tiêm thuốc hồi sức tim, phổi và chuyển ngay trẻ đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh.
Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị suy hô hấp nặng, viêm phổi, viêm gan cấp, phù não do đuối nước, tiên lượng rất nặng. Sau khoảng một giờ được cấp cứu hồi sức tiếp tục, trẻ cắt cơn co giật, bắt đầu thở theo máy, phổi thông khí đều, tim nhịp đều. Ngày 22/8 trẻ đã tự thở. Hai ngày sau hình ảnh chụp CT sọ não cho thấy bệnh nhi không bị tổn thương nhu mô não, không có hình ảnh teo não. Hiện trẻ đã qua cơn nguy kịch.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đánh giá, nhờ sự sơ cấp cứu kịp thời của gia đình và bác sĩ tại phòng khám, trẻ đã được duy trì đường thở ngay từ khi lâm nạn. Điều này rất quan trọng đối với tình trạng trẻ đuối nước và cả quá trình cấp cứu điều trị để cứu tính mạng cháu.
Khi con đã hồi phục và có thể nhanh nhẹn tập đi, mẹ bé không giấu được niềm vui: “Tôi rất cảm ơn những người thầy thuốc đã hồi sinh sự sống cho con tôi”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, việc phát hiện sớm bé bị đuối nước để đưa lên bờ và sơ cấp cứu bằng cách ép tim thổi ngạt trong thời gian vàng 3-5 phút đầu là cực kỳ quan trọng vì sẽ giúp cung cấp máu và ôxy lên não kịp thời. Do đó khi phát hiện trẻ đuối nước, người dân cần tận dụng khoảng thời gian vàng này, nhanh chóng sơ cứu đúng cách sẽ giúp trẻ thoát khỏi cơn nguy kịch. Sau đó kết hợp với điều trị hồi sức tốt sẽ giúp bé hồi phục sức khỏe như bình thường và tránh biến chứng.
Hướng dẫn sơ cứu trẻ đuối nước