Ngày 28/1, Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân cái chết của bé trai 35 tháng tuổi ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi.
Một ngày trước, sau khi bé tử vong, anh Trần Văn Chi (cha cháu bé) đã gào khóc ở bệnh viện, trách bác sĩ không làm hết trách nhiệm. Sự việc được người nhà quay video, đăng lên mạng xã hội.
Anh Chi kể, 20h mùng 5 Tết (26/1), con trai anh đang chơi đùa cùng các bạn thì ho sặc, nôn ói. Khi người mẹ ở nhà dưới chạy lên, các cháu khác nói bé lấy hạt bí bỏ vào miệng. Vợ chồng anh đưa con đến Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi hơn một giờ sau đó, nói nguyên nhân cháu bị hóc hạt bí.
Theo anh Chi, bác sĩ đầu tiên dùng dụng cụ y tế vạch họng cháu ra xem và nói "không có gì", sau đó chụp phim và tiếp tục nói "không sao" trong khi bé vẫn nôn ói. Người nhà đề nghị chuyển viện ra Đà Nẵng nhưng bệnh viện không đồng ý.
Bác sĩ cuối cùng thăm khám nói rằng cháu "bị hen suyễn chứ không phải hóc dị vật". Sau đó, bác sĩ cho con anh Chi thở khí dung, tình trạng bệnh nhi khá hơn. Gia đình tiếp tục yêu cầu "nếu hen suyễn thì hút đờm cho cháu và nội soi ở cổ xem có phải hóc hạt bí không". Một y tá nói "bây giờ không có người làm việc mà phải chờ sáng mai".
"Lúc ấy họ giục tôi nhiều nhất là về lấy bảo hiểm để làm thủ tục nhập viện cho cháu, còn việc cấp thiết nhất là cứu cháu thì lại không làm", anh Chi nói. Khoảng 23h, người nhà đưa bé về "để tìm bảo hiểm" và lau rửa vì cháu nôn ói khắp người. "Trời lạnh, vợ chồng tôi ra phòng vệ sinh bệnh viện tìm nước nóng không có, nên chúng tôi mới về nhà và tìm bảo hiểm", cha cháu bé cho biết.
Đến khoảng 3h sáng mùng 6 Tết (27/1), gia đình thuê taxi đưa con lên lại Bệnh viện sản nhi Quảng Ngãi. Khi gần tới viện cháu nấc nghẹn và được đưa thẳng vào phòng cấp cứu, sau đó được chuyển gấp lên phòng Hồi sức Tích cực. Khoảng 20 phút sau, bác sĩ báo cháu không qua khỏi.
Phản hồi thông tin trên, bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi, cho biết chiều 27/1 bệnh viện đã thành lập Hội đồng chuyên môn phân tích, đánh giá quá trình tiếp đón, điều trị, chăm sóc đối với cháu bé. Theo đó, ngay khi tiếp nhận bệnh nhi, các y bác sĩ trong kíp trực đã khai thác đầy đủ tiền sử bệnh, chỉ định chụp phim X-Quang phổi và cột sống cổ ngực, lấy máu xét nghiệm, soi tai mũi họng. Cháu bé được chẩn đoán bị viêm thanh khí phế quản cấp, cần chẩn đoán phân biệt dị vật đường thở.
Sau khi bé trai được đưa vào khoa Nhi hô hấp, bác sĩ trực đã chỉ định cho thở khí dung, điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Sau đó, bé tỉnh táo, môi hồng, đỡ khò khè. Điều dưỡng chăm sóc, theo dõi và hướng dẫn người nhà ủ ấm tích cực cho bé. Lúc hơn 23h mùng 5 Tết, điều dưỡng khoa Nhi hô hấp đến chăm sóc nhưng không có bệnh nhi tại buồng bệnh, "người nhà đã tự ý đưa ra khỏi viện".
Cũng theo Hội đồng chuyên môn, đến 4h sáng 27/1, khi bệnh nhi được đưa trở lại bệnh viện thì mạch cổ không bắt được, toàn thân tím tái, lồng ngực không di động, đồng tử giãn, bụng chướng, ngưng thở, ngưng tim ngoại viện không rõ nguyên nhân. Lúc này, kíp trực đã đưa bé vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc để cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng trẻ không qua khỏi.
Hội đồng chuyên môn kết luận: Bệnh nhi được kíp trực tiếp đón, thăm khám, chẩn đoán, chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng đầy đủ, kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn; các nhân viên y tế ca trực phối hợp xử trí, hồi sức tích cực cho bệnh nhi nhưng đáng tiếc là người nhà đã tự ý đưa bệnh nhi rời viện nên không theo dõi, can thiệp, cấp cứu kịp thời.
"Không có chuyện bệnh viện yêu cầu người nhà phải trình thẻ bảo hiểm của cháu thì mới điều trị như một số thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền. Với những ca bệnh cấp cứu, bệnh viện luôn ưu tiên xử trí theo đúng quy trình chuyên môn để đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh. Các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện sau", bác sĩ Nguyễn Đình Tuyến nói. Công an tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc, thu thập hồ sơ bệnh án, điều tra ban đầu "nhưng người nhà từ chối khám nghiệm tử thi và đưa về để lo hậu sự".
Phạm Linh