Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết hai ngày qua, các y bác sĩ tranh thủ sau giờ tan ca hoàn thành khoảng 400 chiếc nón kính. Những miếng mica từ tiệm photo đóng sách được cắt, vòng trên đầu rồi bấm lại vừa vặn.
Các bác sĩ dùng thêm một miếng mút đệm để mặt nạ không áp sát vào mặt quá, nâng đỡ mũi, hà hơi vào cũng hạn chế làm mờ kính. Đây là sáng kiến của bác sĩ Khoa Nhiễm và Đoàn Thanh niên bệnh viện, nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Theo bác sĩ Vũ, phần lớn bệnh nhi đi khám bệnh hay khóc la, cười nói lớn, có thể nôn ói khi bác sĩ khám họng. Do đó nón không chỉ có tác dụng phòng dịch hiện nay mà có thể sử dụng lâu dài sau này, đặc biệt là các y bác sĩ các khoa nhiều nguy cơ như Cấp Cứu, Khám Bệnh, Hồi sức Tích cực Chống độc...
"Khẩu trang không che được mắt và cổ, trong khi nón này diện tích lớn nên che chắn rộng hơn. Chất liệu mica và xốp nên đeo rất nhẹ nhàng, thoải mái, ngăn giọt bắn hiệu quả khi nói chuyện", bác sĩ Vũ nói.
Nón dùng xong có thể tháo xuống vệ sinh dễ dàng, hấp nhiệt độ vừa và tia cực tím khử khuẩn để tái sử dụng. Thay mới cũng không khó vì giá thành rẻ. Khi làm với số lượng lớn, mỗi chiếc nón có giá khoảng 4.000 đồng.
Ngày 23/3, các cán bộ phòng nghiên cứu khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tự sáng chế gần 100 tấm chắn ngăn giọt bắn phòng nCoV. Những tấm chắn này được gửi đến những y bác sĩ của các phòng khám trong bệnh viện, sau đó tiếp tục làm thêm để sử dụng rộng rãi hơn.
Bác sĩ khuyến cáo người dân có thể tự làm và sử dụng nón kính này, kèm khẩu trang vải bên trong để đi chợ, đi siêu thị, đến nơi đông người.