Ngày 22/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cảnh báo người dân tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine. Đây là hóa chất tổng hợp, có độc tính, sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ.
Việc mua trữ diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Trump ngày 19/3 đề nghị Cơ quan quản lý Thực phẩm Dược phẩm (FDA) đẩy nhanh quy trình cho phép dùng hydroxychloroquin, thuốc chống sốt rét, để điều trị Covid-19. Tuy vậy FDA tỏ ra thận trọng.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết chloroquine là một chất gốc quinine được người Đức tổng hợp vào những năm 1930. Khởi đầu thuốc được dùng điều trị bệnh sốt rét. Quá trình sử dụng, người ta dần phát hiện những tính chất mới nên có những chỉ định điều trị mới.
Hydroxychloroquine là một hợp chất mới có tác dụng giống chloroquine nhưng ít độc tính hơn, chỉ định điều trị sốt rét, viêm khớp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ bì, Sarcoidosis, một số bệnh da do ánh sáng... Ở mỗi loại bệnh cần một liều lượng, cách dùng và thời gian dùng khác nhau.
Theo bác sĩ Hùng, từ sau các vụ dịch SARS (năm 2003) và MERS (năm 2009), các hãng dược phẩm đua nhau tìm kiếm thuốc đặc trị virus corona nhưng hiện vẫn chưa có loại thuốc nào hữu hiệu. Khi Covid-19 bùng phát, các loại thuốc như Remdesivir (điều trị Ebola, SARS), Lopinavir/Ritonavir và Darunavir (thuốc điều trị HIV), Favipiravir (thuốc trị cúm)... và cả Chloroquine/ Hydroxychloroquine được các nhà nghiên cứu chọn lựa để thử nghiệm điều trị Covid-19.
"Dù chưa có thuốc đặc hiệu điều trị, chỉ dùng các biện pháp hỗ trợ nhưng hiện có gần 92.000 người khỏi Covid-19 trên thế giới, trong đó không ít những người lớn tuổi, mắc bệnh nặng phải thở máy", bác sĩ Hùng phân tích. Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp tử vong, chứng minh rằng với số lượng người mắc bệnh không nhiều, tình trạng quá tải không gây áp lực lớn lên ngành y tế thì người bệnh vẫn có đường điều trị.
"Mấy ngày nay nghe thông tin người dân đổ xô đi tìm mua thuốc hydroxychloroquin gây ra tình trạng thuốc khan hiếm ảo, giá thuốc tăng vọt, một sự ngạc nhiên cho y bác sĩ chúng tôi", ông chia sẻ.
Bác sĩ Hùng đặt các câu hỏi: Khi đã được xác định là dương tính với nCoV, mọi người sẽ vào bệnh viện điều trị hay tự chữa tại nhà mà lưu trữ thuốc? Người dân mua thuốc rồi có biết uống thuốc theo liều lượng nào để chữa bệnh Covid-19? Có nắm được những người nào tuyệt đối không được dùng thuốc, tác dụng phụ nào đáng ngại nhất và cách theo dõi ra sao, phối hợp với các loại thuốc khác liều lượng thế nào? Chưa kể người uống thuốc sẽ theo dõi bằng cách nào để đánh giá là đã hết virus, có thể gặp người thân, bạn bè mà không sợ lây bệnh cho họ hay không.
"Trước đây đã có rất nhiều người đổ xô đi tìm mua Tamiflu với giá rất cao để sẵn sàng điều trị cúm gia cầm tại nhà. Kết quả bệnh viện không thiếu thuốc cho bệnh nhân, còn những người đã mua thuốc thì chắc sau đó đem vứt hết", bác sĩ Hùng phân tích.
Khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu, các bác sĩ sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho bệnh nhân, mọi người không nên tự ý sử dụng có thể gây tiền mất tật mang, ông nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết trữ chloroquine trong nhà sẽ vô cùng nguy hiểm, uống quá liều có thể tử vong. Loại thuốc này không thiếu, nếu cần trong điều trị ngành y tế sẽ trang bị đầy đủ.
Theo bác sĩ Khanh, liều điều trị và liều ngộ độc của loại thuốc này rất gần nhau. Nếu không tuân thủ chỉ định, liều lượng của bác sĩ, tự ý uống phòng bệnh Covid-19 chẳng những không có hiệu quả mà còn hại gan, thận, ngộ độc dẫn đến tử vong nhanh.
Hydroxychloroquin là loại thuốc Việt Nam có thể sản xuất lập tức với số lượng lớn, không lo thiếu, bác sĩ nói thêm.