"Tại sao lại là mình", bác sĩ Giang bỏ lửng câu hỏi, không nghĩ ngợi được gì thêm. Khi ấy là năm 2003, bác sĩ vừa bước sang tuổi 49, đi khám vì rối loạn tiêu hóa. Cầm tờ kết quả chẩn đoán từ Trung tâm Y khoa Medic ở quận 10 về ngôi nhà tại huyện Nhà Bè, ông bàng hoàng chưa biết bắt đầu đối diện mọi thứ từ đâu.
Đêm ấy, vợ chồng ôm nhau khóc. Cuộc sống đang trôi chảy bình yên với hai đứa con trai còn tuổi ăn tuổi lớn. Phòng nha đang là nguồn thu nhập chính của người đàn ông trụ cột gia đình. "Mình sẽ còn sống được bao lâu", bác sĩ Giang nhắm mắt, không dám hình dung tương lai. Tự vực dậy tinh thần, ông nhủ lòng "hốt hoảng, bi quan cũng không giải quyết được gì, chính mình phải cứu mình đầu tiên".
Một tuần sau, bác sĩ Giang trong trang phục dành cho bệnh nhân, bước lên bàn mổ tại Bệnh viện Bình Dân. Y phục, khung cảnh phòng phẫu thuật, mùi thuốc khử trùng vốn quen thuộc với đời bác sĩ, nay ngổn ngang nhiều cảm xúc xa lạ. Ca mổ thành công, ông sang Bệnh viện Ung bướu TP HCM hóa trị. Sẵn sàng tâm lý chịu đựng nhưng sức giày vò của những toa hóa trị vượt xa tưởng tượng của ông. Những cơn nôn ói, đau đớn thân xác hành hạ triền miên.
"Càng về những toa cuối càng vật vã, có lúc nghĩ mình không thể tiếp tục nổi", ông nhớ lại. Không gặp được "chiến binh ung thư" nào truyền kinh nghiệm, động lực, đôi lúc ông bơ vơ không biết con đường mình đi rồi sẽ về đâu.
Bác sĩ Giang mò mẫm trên mạng, bắt gặp câu chuyện của Lance Armstrong. Vận động viên đua xe đạp người Mỹ phát hiện ung thư tinh hoàn năm 25 tuổi, khối u lan đến thận, phổi, não, trải qua nhiều lần phẫu thuật, hóa trị. Chiến thắng tử thần, anh trở lại đường đua, phá kỷ lục giải đua xe đạp danh giá thế giới Tour de France khi giành chiến thắng bảy lần liên tục. Sau khi khỏi bệnh, anh còn trở thành ông bố 3 con.
Nhờ người bạn ở Mỹ mua cuốn Every Second Counts của Lance Armstrong gửi về, bác sĩ Giang say sưa nghiền ngẫm. Trong lúc đang vào thuốc, tay đua người Mỹ vẫn kiên trì tập luyện đạp xe giữa đêm khuya tuyết lạnh. "Mình học điều gì từ nghị lực phi thường này", bác sĩ Giang trầm tư. Vốn là người chơi tennis, ông quyết định ngày hôm trước vào thuốc mệt lả thì hôm sau vẫn ra sân. Đồng đội ngạc nhiên, không muốn ông mạo hiểm. Xong trận đấu, ông tinh thần thoải mái, ra nhiều mồ hôi nên khỏe hơn.
Cuốn hồi ký trở thành sách gối đầu giường của bác sĩ Giang suốt 16 năm qua, bên cạnh ông trong 6 lần phẫu thuật chiến đấu ung thư. Sau cắt bỏ đại tràng bên góc phải năm 2003, cắt bỏ 2/3 dạ dày năm 2004, đến năm 2010 ung thư tái phát ở vị trí đại tràng sigma. Năm 2015, ông ung thư bàng quang. Năm 2018 tái phát ở đại tràng ngang. Cách đây 5 tháng, bác sĩ phát hiện ung thư ở đại tràng phần dưới của sigma, tiếp tục phẫu thuật cắt trọn toàn bộ khung đại tràng.
Việc không còn đại tràng khiến bệnh nhân đi tiêu nhiều lần trong ngày, chủ yếu là nước. Bác sĩ Giang cố gắng tập luyện thể thao để hạn chế số lần đi tiêu. Nhờ giữ tinh thần thoải mái, lắng nghe cơ thể, theo dõi sức khoẻ kỹ lưỡng, ông giữ được vóc dáng khoẻ mạnh, năng động ở tuổi 65. Không đủ sức đảm đương phòng mạch, những năm qua, ông cộng tác với một số bệnh viện tư, phòng khám để tiếp tục vai trò bác sĩ.
Trở thành "chiến binh ung thư", bác sĩ Giang hăng hái với các hoạt động cộng đồng, đi nhiều nơi chia sẻ câu chuyện của mình để truyền kinh nghiệm, nghị lực đến người đồng cảnh ngộ, vực dậy tinh thần của những người đang ở triền sinh tử. Các bệnh nhân ung thư thường nằm lòng liệu pháp 4T gồm tinh thần, thực phẩm, thuốc, thể thao. Riêng bác sĩ Giang, ông thêm một chữ T là "tám chuyện", thoải mái tâm tình, trải lòng với mọi người.
Dốc tài sản vào chữa bệnh, vợ chồng ông phải bán nhà, chuyển về căn chung cư nhỏ hơn nhưng tình cảm gia đình lúc nào cũng đong đầy. Người vợ vốn là điều dưỡng, nghỉ hưu sớm chăm chồng, luôn dịu dàng sát cánh cùng ông. Con trai lớn đã là kỹ sư tin học, có gia đình riêng. Con trai nhỏ nay là chàng sinh viên y khoa năm thứ 5, dốc lòng học hành nối nghiệp bố.
Cuốn hồi ký về cuộc chiến ung thư vẫn đang được ông ấp ủ thực hiện.