Bộ Y tế sáng 24/3 cho biết ba bệnh nhân rất nặng gồm bác gái của "bệnh nhân 17" và du khách người Anh. Người thứ ba là nam bệnh nhân người Việt 50 tuổi phải chuyển vào phòng hồi sức từ ngày 22/3, được theo dõi sát, hiện dấu hiệu sinh tồn, huyết áp ổn định.
Bác gái "bệnh nhân 17", 64 tuổi, nhập viện ngày 7/3, lây nhiễm nCoV từ cháu Nguyễn Hồng Nhung. Bà có bệnh lý nền rối loạn tiền đình. Ngày 15/3, bà bị khó thở tăng dần, đến khuya thì suy hô hấp. Các bác sĩ hội chẩn quyết định đặt ống khí quản, thở máy, đặt Catheter tĩnh mạch, chuyển bệnh nhân tới khoa Hồi sức tích cực, lọc máu và theo dõi điều trị.
Ngày 16/3 bà vẫn suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, được lọc máu liên tục, tình trạng nặng. Lọc máu là biện pháp thường chỉ định cho người bệnh nặng tại hồi sức cấp cứu như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn chuyển hóa. Hai ngày sau, các bác sĩ quyết định can thiệp bằng hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (ECMO).
ECMO (Extracorporeal Membrane Oxygenation) là phương pháp "oxy hóa qua màng ngoài cơ thể", tạo tuần hoàn và trao đổi oxy nhờ hệ thống máy nhằm hỗ trợ chức năng sống ở bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và/hoặc phổi được nghỉ ngơi và hồi phục.
Bệnh nhân nặng thứ hai là du khách người Anh 69 tuổi, có bệnh lý nền là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Bệnh nhân này từ ngày 15/3 đã phải thở máy, lọc máu. Trước đó ông cùng vợ đến Việt Nam trên chuyến bay VN54 ngày 2/3, chuyến bay có ít nhất 14 người nhiễm nCoV trong đó có Hồng Nhung. Người này sau khi nhập cảnh đã cùng vợ du lịch tới Lào Cai và ghi nhận nhiễm nCoV tại đây, sau đó được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị.
Hai người khác điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng đang được hỗ trợ thở oxy.
Trong 106 bệnh nhân Covid-19 cả nước, có 46 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Số này gồm 34 bệnh nhân là người Việt, 12 người nước ngoài.
Tại cuộc họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 chiều 23/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Cục trưởng Khám Chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cùng các thành viên Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm gồm những chuyên gia hàng đầu về hồi sức, hô hấp, tim mạch... hội chẩn đối với ca bệnh nặng.
Các chuyên gia cũng xem xét và cho ý kiến về cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số nước trên thế giới. Đối với một số thuốc đang được một số quốc gia thử nghiệm lâm sàng, Hội đồng chuyên môn cũng xem xét và đánh giá. Tuy nhiên các chuyên gia cũng khẳng định "hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính".
Tính đến sáng 24/3, Việt Nam đã ghi nhận 123 ca bệnh Covid-19, trong đó 17 trường hợp đã điều trị khỏi. 106 bệnh nhân đang được điều trị tại 15 cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó có cả bệnh nhân điều trị tại trung tâm y tế huyện. "Bệnh nhân 73" người Anh hiện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương và" bệnh nhân 123" đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Đa số tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho hoặc ho ít, không khó thở, ảnh chụp X-quang phổi bình thường. Vài bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi thấy trên phim X-quang và viêm phổi tiến triển, được điều trị theo phác đồ điều trị viêm phổi.
Hiện có 14 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ một đến ba lần.