Thỏa thuận này giúp 4 hãng dược phẩm lớn tránh được phiên xử vào phút chót. Hãng dược McKesson Cardinal Health và AmerisourceBergen chi trả 215 triệu USD cho hai nguyên đơn đến từ các quận Summit và Cuyahoga ở Ohio.
Hãng dược Teva Pharmaceutical bồi thường 20 triệu USD và dành 25 triệu USD hỗ trợ chi phí điều trị cai nghiện thuốc giảm đau và thuốc cai nghiện Suboxone, một loại thuốc mới được phê chuẩn bởi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.
Quá trình đàm phán diễn ra sáng 21/10 kéo dài hơn 10 giờ với sự tham gia của các CEO bốn hãng dược lớn và các luật sư từ bang Tennessee, Bắc Carolina, Pennsylvania và Texas. Kết quả khiến các luật sư và nguyên đơn tỏ ra hài lòng, coi đây là "bước ngoặt quan trọng" trong cuộc chiến chống đại dịch nghiện opioid
Các luật sư của nguyên đơn cũng cho rằng "cần tiến hành các hành động cụ thể hơn trong công cuộc chống lại đại dịch opioid". Trong một tuyên bố chung, các luật sư cho biết người dân Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng này.
Trước đó, ngày 18/10, cuộc đàm phán giữa các công ty dược phẩm và đại diện các nguyên đơn không đạt được thỏa thuận bồi thường trị giá 50 tỷ USD. Sau gần 11 giờ đàm phán thất bại, chính quyền bang Pennsylvania cho rằng "đây là nỗi thất vọng sâu sắc và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân".
Lạm dụng thuốc giảm đau opioid là khủng hoảng y tế tồi tệ nhất lịch sử Mỹ, gây ra cái chết cho khoảng hơn 70.000 người kể từ thập niên 90, do sử dụng quá liều, khiến nhiều cộng đồng bị hủy hoại. Nhiều bang Mỹ kiện các công ty dược phẩm, cáo buộc hãng dược vì lợi nhuận đã làm gia tăng cuộc "khủng hoảng opioid" và yêu cầu chịu trách nhiệm.
Thục Linh (Theo CNN)