Sau 4 năm nghiên cứu, công nghệ điều trị vết thương bằng tia plasma lạnh đã phủ sóng 50 bệnh viện trên cả nước. Cỗ máy nhỏ gọn phát tia Plasma lạnh do 2 kỹ sư trẻ của Việt Nam sáng chế.
Ngày đầu thử nghiệm, tia Plasma dùng để điều trị các vết thương hở nhiễm khuẩn, vết loét mạn tính khó liền. Sau này, các bệnh viện còn dùng chúng để hỗ trợ chữa lành vết bỏng, ổ loét bệnh da liễu, loét biến chứng tiểu đường, loét do thiểu dưỡng, loét mỏn cụt chi, loét do tì đè nằm lâu... Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng sử dụng Plasma trong điều trị nhiễm khuẩn sau mổ đẻ.
Plasma có thể diệt nhiều loại vi khuẩn đề kháng thuốc mà kháng sinh đắt tiền không chữa được. Theo Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng, Viện Vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhiều bệnh nhân viêm xương gót chân và kháng kháng sinh, đã hết nhiễm trùng sau 6 lần chiếu Plasma.
"Mỗi lần chiếu trung bình mất 2 phút. Vết thương sẽ giảm khuẩn ngay từ lần đầu tiên, sạch khuẩn sau 2-3 lần. Đối với các vết loét mạn tính thì cần chiếu khoảng 4-5 lần", Tiến sĩ Tùng cho biết.
Sáng chế này được Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng và Nguyễn Thế Anh nghiên cứu từ năm 2011 với vỏn vẹn 15 triệu đồng trợ cấp. Sau 4 năm sau, cả hai chế tạo thành công máy phát tia Plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP). Công nghệ này của Đức, Việt Nam là một trong 4 nước tiên phong ứng dụng trong y học.
Thiết bị được đem đi thử nghiệm trên 36 bệnh nhân tại 3 bệnh viện lớn (Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP HCM) từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2016. Kết quả đánh giá cho thấy, plasma lạnh không chỉ diệt khuẩn, mà còn kích thích vết thương tăng sinh tổ chức hạt, tăng tốc độ biểu mô hóa, giúp ổ loét nhanh liền hơn.
Hiện mỗi phút chiếu giá 30.000 đồng, 1-2 ngày thực hiện một lần, tùy mức độ nghiêm trọng của vết thương. Plasma lạnh giúp người bệnh giảm thời gian điều trị và chi phí 8-10 lần so với các phương pháp khác (ghép da, phẫu thuật, hút áp lực âm, tiêm hoặc uống kháng sinh…).
Plasma giúp ngón tay dập nát do tai nạn của bà Trần Thị Cẩm Lệ (57 tuổi, Hà Đông) thoát khỏi nguy cơ hoại tử. Sau một tháng chiếu tia, bà mất 600.000 đồng để chữa lành, giữ lại ngón tay. Trước đó, bà đã tiêm và uống kháng sinh liều cao, điều trị tích cực trong 3 tháng, tiêu tốn hàng triệu đồng nhưng không khỏi.
Thuốc kháng sinh hiện chiếm tới 33% chi phí khám chữa bệnh. Tiến sĩ Tùng cho biết, sẽ tiếp tục nâng cấp thiết bị để phù hợp cho từng chuyên khoa (nha khoa, lão khoa, phụ sản...) và giới thiệu đến nhiều bệnh viện hơn, nhằm giảm phụ thuộc vào kháng sinh.
An San