Bác sĩ chuyên khoa hai Trần Thanh Linh là Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện phụ trách Đơn nguyên Hồi sức Cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Cùng 11 người trong 6 đội phản ứng nhanh của Chợ Rẫy chi viện Đà Nẵng, bác sĩ Linh chịu trách nhiệm điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng tại bệnh viện này.
Anh là người đầu tiên của Chợ Rẫy đến chi viện Đà Nẵng, từ 25/7 đến nay. Anh cũng là một trong những người đóng góp lớn vào quá trình điều trị thành công bệnh nhân phi công người Anh hồi tháng 6-7. Ra Đà Nẵng, bác sĩ Linh trực tiếp tham gia thành lập Đơn nguyên Hồi sức Cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi.
Bác sĩ Linh cho biết, nửa tháng qua, lịch làm việc của mình và đồng nghiệp luôn bắt đầu lúc 7h30 sáng. Sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực, ê kip của anh bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Bữa trưa, các y bác sĩ "xử lý nhanh" luôn trong bệnh viện. Mọi người thường ăn sau 13h, khi đã hoàn thành cơ bản công việc chăm sóc, thăm khám và thực hiện y lệnh buổi sáng. Tất cả thời gian còn lại trong ngày, các anh chị dồn sự chú ý 100% vào bệnh nhân.
Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy ở lại trực.
"Chúng tôi ít khi nào rời bệnh viện về nghỉ trước 20 giờ. Chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh Covid-19 nặng từ các bệnh viện khác trên địa bàn cũng thường xuyên", bác sĩ Linh nói.
Đơn nguyên Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị 16 bệnh nhân, trong đó 8 bệnh nhân nặng thở máy, hai bệnh nhân chạy ECMO và 4 bệnh nhân phải lọc máu liên tục.
Cách đó 12 km, là "chiến trường" Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, nơi điều trị bệnh nhân suy thận nhiễm nCoV. Bác sĩ chuyên khoa một Lê Kinh Luân và điều dưỡng Nguyễn Xuân Hưng của Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng đang làm việc không ngừng nghỉ. Họ được điều động tăng cường Hòa Vang vào cách đây vài ngày.
Nhiệm vụ của họ là phối hợp cùng các đồng nghiệp Đà Nẵng, Bệnh viện Bạch Mai phụ trách chăm sóc 9 bệnh nhân Covid-19 phải chạy thận. Dự kiến đầu tuần tới, số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên 16.
Mỗi ngày 2-3 lần, các bác sĩ, điều dưỡng mặc trang phục bảo hộ vào phòng thăm khám, chăm sóc, lọc máu cho bệnh nhân suy thận mạn, giai đoạn cuối, có bệnh lý nền chạy thận định kỳ.
"Bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường có sức đề kháng yếu, nay bị nhiễm nCoV nên không ít bệnh nhân ở tình trạng nặng. Tuy nhiên, mọi người đều đang nỗ lực hết sức để có thể cải thiện được tình trạng sức khỏe cho các bệnh nhân này", bác sĩ Luân cho biết.
Tại Bệnh viện đa khoa Quảng Nam, đội phản ứng nhanh số hai của Bệnh viện Chợ Rẫy có mặt từ ngày 31/7. Bác sĩ chuyên khoa hai Huỳnh Quang Đại, khoa Hồi sức Cấp cứu và đồng nghiệp chi viện từ Chợ Rẫy trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân Covid-19.
Ở đầu chiến tuyến, các anh cùng kề vai gánh vác nhiều vất vả. Không chỉ điều trị, chăm sóc tốt cho bệnh nhân mà các anh phải tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây nhiễm cận kề.
"Không sao cả, anh em luôn động viên nhau cùng lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để vượt qua đại dịch này", bác sĩ Đại chia sẻ.
"Ở trong tâm dịch, nhiều khó khăn, song chúng tôi luôn tin rằng, với sự đồng sức đồng lòng của mọi người, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp", bác sĩ Linh bày tỏ.
Tính đến ngày 9/8, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử 6 đội phản ứng nhanh, gồm 15 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, chi viện cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Sở Y tế TP HCM trưa 8/8 cũng cử ba bác sĩ, năm điều dưỡng chuyên khoa Thận và lọc máu chi viện thêm cho Đà Nẵng.
Tất cả các cán bộ y tế TP HCM nhận nhiệm vụ tăng cường cho tiền tuyến Quảng Nam, Đà Nẵng đều giàu kinh nghiệm điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Họ là chuyên gia về Hồi sức tích cực, nội thận, thận nhân tạo, lọc máu, xét nghiệm.
Thư Anh