Sáng 22/6, đại diện Trung tâm y tế TP Lai Châu cho biết gia đình gồm 21 người ăn trưa ở lán nương, thực đơn gồm măng hầm xương lợn, canh nấm, tai lợn, đậu phụ, bí đỏ, thịt lợn xào súp lơ và rượu. Trong đó, món canh được nấu từ nấm mọc trong vườn. Do thấy nấm lạ, 7 người không ăn.
Hai giờ sau ăn, một người có biểu hiện ngộ độc, rối loạn tiêu hóa như đau đầu, buồn nôn và nôn, tiêu chảy. Sau đó, 13 người khác xuất hiện dấu hiệu tương tự, được đưa đi cấp cứu tại trạm y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh. Riêng 7 người không ăn không có triệu chứng ngộ độc.
Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, chỉ định truyền kháng sinh, truyền dịch bù nước điện giải. Hiện, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, không có trường hợp tử vong, tiếp tục được theo dõi. Cơ quan chức năng lấy mẫu thức ăn đưa đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây ngộ độc. Giới chức cho rằng nhiều khả năng bệnh nhân ngộ độc nấm.
Hiện chưa xác định loại nấm mà những người này ăn là nấm gì.
Các tỉnh đang mùa mưa, là thời điểm nấm phát triển nhiều. Từ đầu tháng 6 đến nay, các tỉnh phía Nam cũng xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm, hai người (ở Tây Ninh) tử vong.
Thế giới hiện ghi nhận hơn 5.000 loại nấm, trong đó khoảng 100 loài nấm độc - khó phân biệt với loại không độc. Các dấu hiệu ngộ độc xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, thường là 12-18 giờ. Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, nước tiểu ít hoặc không có nước tiểu. Trường hợp nặng thì viêm gan, mệt mỏi, hôn mê sâu, xuất huyết nhiều nơi, suy đa tạng và tử vong.
Không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Do đó bác sĩ khuyến cáo chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết chắc chắn chủng loại, nguồn gốc. Trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Minh An