Những ngày qua, thanh tra Sở Y tế cùng các chuyên gia thuộc Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bình Dân kiểm tra đột xuất các phòng khám này. Trong đó, có 4 cơ sở đăng ký người hành nghề là người nước ngoài, gồm phòng khám đa khoa Âu Á (quận 6), Hoàn Cầu (quận 5), Hồng Phong (quận 5), Thăng Long (quận 10).
Chiều 6/12, đại diện Sở Y tế cho biết khi kiểm tra, các phòng khám này đều vi phạm quy định hành nghề khám chữa bệnh, như bố trí thêm phòng điều trị, bổ sung trang thiết bị y tế nhưng chưa báo cáo; không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không đủ dụng cụ để thực hiện các thủ thuật sản phụ cho người bệnh. Nhân sự tham gia khám chữa bệnh nhưng chưa đăng ký hành nghề hoặc đã đăng ký hành nghề nhưng không có mặt đầy đủ theo thời gian đã đăng ký.
Các chuyên gia ghi nhận một số người hành nghề chưa nắm bắt chuyên môn trong quá trình điều trị, chẩn đoán; điều trị chưa đúng phác đồ của Bộ Y tế, chỉ định kháng sinh không phù hợp phác đồ, không có chứng chỉ đào tạo chuyên môn phù hợp.
Ngoài ra, lỗi hay gặp tại các phòng khám này là quảng cáo không đúng, không phù hợp với nội dung đã được xác nhận, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn đã được cấp phép hoạt động, đặc biệt trong điều trị bệnh nam khoa, bệnh xã hội, bệnh trĩ...
Sở kêu gọi người dân khi gặp tình huống các phòng khám "vẽ bệnh, moi tiền", gọi số điện thoại nóng 0989401155 hoặc vào app "Y tế trực tuyến" để phản ánh trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế. Đường dây nóng tiếp nhận gần 20 cuộc gọi chỉ sau hai ngày công bố số điện thoại, trong đó nhiều nội dung tố cáo các phòng khám "vẽ bệnh moi tiền".
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất các phòng khám từng vi phạm và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có.
Lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài, chủ yếu là phòng khám Trung Quốc có nhiều vi phạm quy định trong hoạt động khám chữa bệnh, sau một thời gian tạm lắng do dịch bệnh Covid-19. Thanh tra từng nhiều lần ra quyết định xử phạt ở khung cao nhất, có nơi bị phạt 315 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động có thời hạn nhưng sau đó vi phạm vẫn tiếp diễn. Nhiều nơi sau khi bị phạt đã đổi tên phòng khám nhưng vẫn hoạt động trên cùng địa chỉ ban đầu.
Tuần trước, Sở Y tế TP HCM kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam phải thi chứng chỉ, thông thạo và nói tiếng Việt khi khám cho bệnh nhân. Sở cũng đề xuất tăng nặng hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động nếu tái vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề.
Năm 2017, Sở Y tế TP HCM công khai 17 phòng khám Trung Quốc tại thành phố bị nhiều bệnh nhân khiếu nại. Những phòng khám này có kịch bản tương tự nhau để "vẽ bệnh", moi tiền người bệnh. Bệnh nhân vào phòng khám, được hướng dẫn thực hiện các xét nghiệm đơn giản chỉ vài trăm nghìn đồng. Sau đó người bệnh được đưa lên bàn thủ thuật mới nhận được các chẩn đoán từ bác sĩ là bệnh rất nặng, nguy hiểm, có thể diễn tiến thành ung thư... với các chi phí điều trị rất cao. Thực hiện xong thủ thuật điều trị bệnh này sẽ phát sinh bệnh khác, bệnh nhân rời phòng khám có khi phải tốn chi phí vài chục triệu đồng.
Lê Phương