Chỉ trong tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đạt doanh thu hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 45% so với tháng 9. Đây là mức doanh thu kỷ lục trong một tháng đối với hệ thống bán lẻ của ông Nguyễn Đức Tài.
Phần lớn cửa hàng thuộc hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh được hoạt động trở lại là nguyên nhân chính mang đến cú hích trên. Trước đó, doanh nghiệp này ghi nhận gần 2.000 cửa hàng điện thoại, điện máy phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Khi được trở lại, hai chuỗi này đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng doanh số, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và tăng 60% so với tháng 9.
Cùng ngành bán lẻ, tình hình kinh doanh Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) dần phục hồi. Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh số tiêu thụ tháng 10 của PNJ ước tăng 12-15% so với cùng kỳ năm trước, riêng ngày 20/10 tăng 10%. Doanh số bán hàng tăng tốc cuối tháng do tâm lý tiêu dùng cải thiện nhờ nhiều chương trình khuyến mại được tung ra.
Trong hai tuần đầu tháng 10, khoảng 94% số cửa hàng toàn quốc đã trở lại kinh doanh, riêng TP HCM cũng mở lại 93% số cửa hàng. Ban lãnh đạo PNJ đánh giá, doanh thu tháng 10 tăng trưởng tốt hơn dự kiến và vượt trội so với thị trường.
Thoát cảnh giãn cách kéo dài, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) công bố tổng doanh thu 780 tỷ đồng trong tháng 10. Con số trên tăng 6% so với cùng kỳ và tăng 19% so với tháng liền trước. Đóng góp chính là doanh thu từ cá tra và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng đến 95%.
Trước đó, Vĩnh Hoàn cho biết, tác động của việc giãn cách ở các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động và lĩnh vực xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 giảm mạnh ở hầu hết thị trường.
Với ngành thâm dụng lao động như dệt may, nới lỏng giãn cách đúng ngay cao điểm đợt giao hàng cuối năm là động lực tăng trưởng to lớn. Các doanh nghiệp đã bắt tay vào khôi phục sản xuất với tình hình không quá khó khăn như dự báo. Theo tính toán, từ nay đến hết năm, đơn hàng sẽ đổ về tích cực, doanh nghiệp có thể tăng tốc sản xuất.
Ngay trong tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG công bố doanh thu hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu cả năm. Với lượng đơn hàng đã ký, TNG dự kiến doanh thu hai tháng cuối năm đạt 705 tỷ đồng, đảm bảo kế hoạch đề ra.
Tháng 10 cũng là thời điểm các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm. Cụ thể, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) ghi nhận hơn 810 tỷ đồng doanh thu và hơn 33 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nhờ đó, PVTrans đã vượt 2% mục tiêu doanh thu và vượt đến 60% mục tiêu lợi nhuận năm nay. Tương tự, Công ty cổ phần FPT có được 28.215 tỷ đồng doanh thu và hơn 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, FPT đã vượt 2% chỉ tiêu doanh thu và 4% chỉ tiêu lợi nhuận.
Sức khỏe tài chính dần phục hồi nhưng các doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm khá thận trọng thời gian tới. Trong kịch bản cơ sở, lãnh đạo PNJ dự đoán tới nửa cuối năm 2022, nhu cầu đồ trang sức mới có thể cải thiện rõ ràng hơn với kỳ vọng từ việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ thúc đẩy tổng nhu cầu nền kinh tế. Sự phục hồi sẽ không đồng đều, theo hình chữ K, trong đó phân khúc cao cấp phát triển mạnh nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Đại diện MWG chia sẻ trong buổi gặp nhà đầu tư rằng, doanh nghiệp có khả năng đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với năm trước nhưng vẫn khó hoàn thành kế hoạch cả năm. Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh dự đoán, cần khoảng 6-12 tháng để nền kinh tế trở lại vận hành bình thường như trước dịch.
Tất Đạt