Thanh Huyền -
Chuyện gì đang xảy ra vậy, khi người Mỹ đường đột quan tâm đến Charles Baudelaire - nhà thơ Pháp thế kỷ 19? Có thừa dẫn chứng cho sự say mê này: Một cậu bé 14 tuổi ngồi đọc bản dịch những bài thơ của ông và học thuộc lòng từng chữ, nhà văn Lemony Snicket vừa có được cuốn tiểu thuyết ăn khách về "chú bé mồ côi Baudelaire"; một hãng sản xuất xà phòng Pháp, một hãng bít tất, một hãng thu âm, một dòng áo T-shirt và ít nhất là hai khách sạn đặt theo tên nhà thơ bậc thày này.
Và thật khó tin, kết quả tìm kiếm trên Google gần đây cho thấy, số trang về Baudelaire nhiều hơn cả những gì về Allen Ginsberg, Robert Frost và T.S. Eliot cộng lại. Giờ đây, lại xuất hiện thêm cuốn The Writer of Modern Life: Essays on Charles Baudelaire, do Michael Jennings giáo sư Đại học Princeton biên tập, dựa trên những trang viết của Walter Benjamin - một thiên tài người Đức đã qua đời cách đây khá lâu. Benjamin đã mổ xẻ tác giả Les Fleurs du Mal (Những bông hoa Ác) bằng con dao của các nhà Marxist, bên cạnh những phương pháp khai thác độc đáo khác.
![]() |
Nhà thơ Charles Baudelaire. |
Nguyên nhân do đâu? Có lẽ những tâm hồn đầy bối rối và lo âu của chúng ta tìm thấy ở những vần thơ chua cay, châm chọc nhưng cũng rất trang nhã và tinh tế; ở cuộc đời ngây ngất say sưa của Baudelaire tấm gương soi cho chính thời đại bấp bênh và chuếnh choáng mà chúng ta đang sống.
Benjamin đã viết rất sâu sắc rằng, Baudelaire thiếu đi lòng nhân đạo lý tưởng của Victor Hugo, những cảm xúc nồng nhiệt của Musset, sự hài lòng với thời đại của Gautier, sự nồng nhiệt trẻ trung của Rimbaud. Nhưng trên hết, Benjamin nhìn thấy ở thơ ca Baudelaire vẻ đẹp đầy bi kịch đẩy ông lên cao hơn cả những nhà thơ vĩ đại kia.
Benjamin chỉ ra rằng, những ước mơ của Baudelaire cứ như một con tàu đung đưa trong bến cảng. Thay vì cảm thấy mình là một Icarus rơi xuống biển sâu vì đôi cánh sáp ong bị mặt trời đốt cháy, nhà thơ tự so sánh mình với những chú chim hải âu - rơi xuống boong tàu và kéo lê đôi cánh rộng trước sự chế giếu của những thủy thủ xấu xa và ngu dốt.
Các nhà phê bình và những người viết tiểu sử về Baudelaire đều gọi ông là "Dante thời hiện đại", đối thủ của ông chỉ có thể là Shakespeare và Goethe.
Không chỉ có những bài thơ mà ngay cả số phận bất hạnh của ông cũng khiến cho người ta bị ám ảnh. Không ai biết được cuộc đời thực của Shakespeare một cách chính xác. Cuộc đời của Eliot thì rất tẻ nhạt dù ông là tác giả của những vần thơ thực sự lỗi lạc. Nhưng Baudelaire thì để lại cho hậu thế không biết bao nhiêu câu hỏi về một số phận đầy rẫy sự lập dị và mâu thuẫn.
Charles Baudelaire sinh ra ở Paris, nơi nhà thơ sống phần lớn cuộc đời mình. Năm lên sáu tuổi, Baudelaire đã mồ côi bố. Mẹ ông còn rất trẻ và quyết định đi bước nữa (bà chỉ mới 26 tuổi khi kết hôn với bố ông - lúc đó đã 60 tuổi).
Năm 1841, theo lời mẹ và cha dượng, Baudelaire sang Ấn Độ. Nhưng chỉ một năm sau, ông trở về Paris. Trên đường về, nhà thơ gặp Jeanne Duval. Bà trở thành nhân tình và là nữ thần cảm hứng cho ông trong bài thơ Black Venus. Dù Baudelaire còn gặp gỡ và đem lòng yêu một số phụ nữ khác như Mme Sabatier và Marie Daubrun nhưng trong suốt cuộc đời, nhà thơ vẫn giữ quan hệ gắn bó với Jeanne. Vốn là một người ưa cuộc sống hào nhoáng và luôn tiêu pha như một công tử giàu có. Baudelaire thường xuyên túng quẫn. Sau khi xài hết số gia sản mà người bố để lại vào rượu, tiệc tùng và ma túy, nhà thơ thường xuyên phải tìm về với mẹ mỗi khi thiếu tiền, mỗi khi ốm đau bệnh tật hoặc gặp phải những buồn phiền trong cuộc sống.
Ngày 31/8/1967, tại một bệnh viện ở Paris, Baudelaire đã qua đời trong vòng tay của mẹ, kết thúc chuỗi ngày bị đọa đày trên dương gian.
(Nguồn: Tổng hợp)